6 công trình hạ tầng giao thông nổi bật khu vực phía Nam
Mặc dù thị trường BĐS gặp thách thức về thanh khoản vào gần cuối quý 2/2020 nhưng nhìn bức tranh tổng thể 6 tháng đầu năm 2022, đó là sự tăng trưởng đáng chú ý. Trong đó, hạ tầng giao thông được xem là đòn bẩy quan trọng.
Tại khu vực phía Nam, 6 tháng đầu năm 2022, chứng kiến loạt hạ tầng giao thông quy mô khánh thành thông xe, mở rộng….đã phần nào tác động đến bức tranh của thị trường BĐS nói chung.
Tp.HCM khánh thành cầu Thủ Thiêm 2
Ngày 28/4/2022, Cầu Thủ Thiêm 2 dài gần 1,5 km, 6 làn xe, bắc qua sông Sài Gòn, được xem là biểu tượng mới của Tp.HCM, sau 7 năm triển khai đã hoàn thành, thông xe.
Công trình này giúp hoàn thiện trục giao thông chính của thành phố, tăng kết nối khu trung tâm với đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Dự án cũng tạo sức hút đầu tư để hoàn thiện khu đô thị này trước năm 2030 - nơi được định hướng trung tâm kinh tế, tài chính, đô thị thông minh...
Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư 3.100 tỷ đồng - kinh phí lớn nhất trong các cây cầu tại TP HCM đến thời điểm này. Dự án có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), vượt sông Sài Gòn và kết nối đại lộ Vòng cung (tuyến R1) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Công trình thông xe giúp mở thêm hướng kết nối khu trung tâm hiện hữu qua trung tâm mới - khu đô thị Thủ Thiêm, giảm ùn tắc cho đường Tôn Đức Thắng.
Thông xe cao tốc trung lương – Mỹ Thuận
Ngày 27-4, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km chính thức khánh thành sau 13 năm khởi công và nhiều lần phải tạm dừng vì nhiều lý do.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho phép lưu thông hai chiều trên tuyến chính cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đoạn từ nút giao Thân Cửu Nghĩa tại km49 620 đến nút giao với quốc lộ 30 tại km101 126 và các đường nối ra quốc lộ 1 tại thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè).
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công lần đầu vào tháng 11/2009, do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Ban đầu, dự án có quy mô mặt đường rộng 25,5 - 26,5m cho 4 làn xe chạy với vận tốc 120 km/h và có hai làn dừng xe khẩn cấp với tổng vốn đầu tư 19.000 tỉ đồng. Dự kiến hoàn thành vào quý 2/2013. Tuy nhiên đến năm 2015 dự án vẫn không thể tiếp tục triển khai và cũng trong năm này dự án được tái khởi động bởi liên danh 6 nhà đầu tư với mục tiêu hoàn thành vào quý 2/2020.
Lúc này dự án được thực hiện theo hình thức BOT, vốn đầu tư được điều chỉnh xuống 14.678 tỉ đồng. Đến năm 2017, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh giảm còn 9.668 tỉ đồng. Kéo dài trì trệ nhiều năm, đến tháng 3/2019, khối lượng công việc lúc này mới chỉ được khoảng 10%. Để đẩy nhanh tiến độ, Thường trực Chính phủ giao cho UBND tỉnh Tiền Giang làm đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền dự án thay cho Bộ Giao thông vận tải.
Đồng thời, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả được liên danh các nhà đầu tư mời chủ trì giải quyết những tồn đọng và chịu trách nhiệm thi công dự án. Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lúc này được điều chỉnh tăng lên 12.668 tỉ đồng và được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỉ đồng, còn lại là vốn BOT.
Thông xe dự án mở rộng 2km đại lộ Nguyễn Văn Linh
Đường Nguyễn Văn Linh đoạn từ giao lộ Huỳnh Tấn Phát đến Nguyễn Thị Thập, quận 7, mở rộng lên 10 làn giúp xóa điểm nghẽn "cổ chai" ở tuyến huyết mạch Nam Sài Gòn.
Đường Nguyễn Văn Linh đoạn qua khu vực trên dẫn vào Khu chế xuất Tân Thuận và gần cầu Phú Mỹ kết nối quận 7 qua TP Thủ Đức, mỗi ngày luôn nhiều xe qua lại. Trước đó, đoạn này chỉ 6 làn xe, thường ùn ứ giờ cao điểm. Công trình khi hoàn thành ngoài giúp tuyến đường thông thoáng, tạo thuận lợi cho người dân kinh doanh, buôn bán... Hiện, các nhà mặt tiền sơn sửa, sắp xếp hàng quán chờ việc thi công hoàn thành.
Khởi công năm 1996 và đưa vào khai thác toàn bộ năm 2007, đường Nguyễn Văn Linh, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, dài gần 18 km từ quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) đến giao lộ Huỳnh Tấn Phát. Tuyến đường sau khi đưa vào khai thác tạo tiền đề hình thành, phát triển khu đô thị Nam Sài Gòn, Phú Mỹ Hưng, khu công nghiệp cảng Hiệp Phước...
Hiện, đại lộ Nguyễn Văn Linh là một trong những đường huyết mạch lớn nhất TP HCM, được nhà đầu tư thu phí hoàn vốn, dự kiến đến năm 2028.
Khởi công mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương
Ngày 26/4/2022, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Becamex IDC cùng cơ quan chức năng đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ giáp ranh TP.HCM đến TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) dài khoảng 12,7km từ 6 làn xe lên 8 làn xe.
Trước mắt, sẽ triển khai trước đoạn quốc lộ 13 từ nút giao đại lộ Tự Do (Khu công nghiệp VSIP 1, TP Thuận An) đến ngã tư Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một).
Quốc lộ 13 sẽ được mở rộng thêm hai làn xe về bên phải, hướng từ TP.HCM đi Bình Dương, để tuyến đường đạt quy mô 8 làn xe, nền đường rộng 40,5m. Dự án có tổng mức đầu tư 1.367 tỉ đồng, tiếp tục được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Việc mở rộng quốc lộ 13 cũng sẽ cộng hưởng với dự án mở rộng đường ĐT743 lên 6 làn xe sắp hoàn thành (từ ngã tư Miếu Ông Cù, tỉnh Bình Dương đến nút giao Sóng Thần, TP.HCM).
Trong khi đó, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 qua địa bàn TP.HCM đoạn từ chân cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước (TP Thủ Đức) có tổng mức đầu tư gần 9.992 tỉ đồng, hiện cũng đang chờ bố trí nguồn vốn để thực hiện.
Khởi động xây nhà ga hành khách sân bay Long Thành
Ngày 30/3/2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công gói thầu 5, 6 (hạng mục đóng cọc nhà ga) thuộc dự án thành phần 3 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Để thực hiện hai gói thầu này, các nhà thầu phải thi công gần 1.600 cọc khoan nhồi đường kính 0,8-1,2 m, để tháng 10 kịp triển khai xây nhà ga hành khách - hạng mục được xem là quan trọng nhất của sân bay Long Thành.
Việc thi công cọc nhà ga đánh dấu bước khởi động mạnh mẽ để dự án hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Các đơn vị thi công đã có nhiều giải pháp, ký cam kết hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Ước tính toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn một đầu tư 114.450 tỷ đồng (khoảng 5,45 tỷ USD), dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2025.
Ở giai đoạn một, sân bay được xây dựng các hạng mục đường cất hạ cánh, bãi đỗ, đài kiểm soát không lưu, nhà ga hàng hóa; hai tuyến đường rộng 6 làn xe kết nối sân bay với quốc lộ 51, cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây...
17.837 tỉ đồng đầu tư giai đoạn 1 cao tốc biên Hoà – Vũng Tàu
Ngày 16/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc đầu tư dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài gần 54 km được thông qua chủ trương đầu tư bằng ngân sách nhà nước, với tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đồng bộ vào năm 2026, cao tốc này sẽ giúp phá thế "độc đạo" của Quốc lộ 51 và trở thành tuyến đường huyết mạch phát triển vùng Đông Nam bộ.