6 kiểu trẻ cho du học cầm chắc thất bại, phụ huynh cần lưu ý
Du học là một bài kiểm tra tâm lý đối với học sinh, sinh viên, mà đôi khi cái giá phải trả là rất nặng nề.
- 24-09-2023Nữ du học sinh Việt "cày ngày cày đêm" săn học bổng, thành quả đạt được khiến tất cả trầm trồ
- 18-09-2023Cô gái đầu tiên ở bản đi du học châu Âu, giúp bà con bán nông sản, tạo sinh kế cho cộng đồng
- 06-09-2023Du học sinh về nước lương tháng 50 triệu đồng, bố mẹ tưởng "nở mặt" ai ngờ xem clip con đăng xong suýt ngất xỉu
Tiểu Từ, 22 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm nặng và phải điều trị tại khoa Can thiệp sớm của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Vũ Hán (Trung Quốc). Mẹ cậu cho biết, tình trạng của con trai bà kéo dài khoảng 1 năm nay, gia đình cố trò chuyện nhưng không có kết quả.
Vương Xuân, chuyên gia trị liệu tâm lý tại trung tâm này cho biết Tiểu Từ từ nhỏ đã là học sinh xuất sắc. Ngoài học tập ra thì không có sở thích hay năng khiếu nào khác. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Tiểu Từ được nhận vào một trường đại học trọng điểm ở Vũ Xương. Vì thành tích xuất sắc nên cậu đã được cử sang Anh học tập. Nhưng Tiểu Từ chỉ ở lại hơn nửa năm rồi về nước sớm do "không thích nghi". Sau khi trở về, gia đình Tiểu Từ phát hiện ra rằng con mình như một người khác.
Mẹ của Tiểu Từ cho biết, khi con trai ở Anh đã luôn gọi điện phàn nàn về áp lực học tập cao, có quá nhiều bạn học xuất sắc, giỏi thể thao, giỏi giao tiếp xã hội và làm từ thiện. Tiểu Từ không có bạn bè, cảm thấy cô đơn, luôn mất ngủ vào ban đêm và thức dậy rất sớm vào buổi sáng.
Tiểu Từ cố gắng học nhưng luôn chán nản, không có hứng thú với bất cứ điều gì, thậm chí còn có ý định tự tử. Cậu so sánh và cảm thấy mình thua kém bạn bè, ngay cả ưu điểm duy nhất lúc trước mà cậu có là thành tích học tập cũng không giữ được. Chuyên gia Vương Xuân cho rằng Tiểu Từ đã rơi vào tình trạng "thiếu động lực", đây là một trong những triệu chứng chính của bệnh trầm cảm.
Du học thực chất là một "bài kiểm tra tâm lý lớn"
Với quá trình phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế hiện nay, du học không còn lạ lẫm, xa vời mà đã trở thành nhu cầu thiết thực và ước muốn của nhiều học sinh, sinh viên. Nhiều gia đình đã đặt mục tiêu và có sự chuẩn bị từ sớm để biến ước mơ du học của con trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, rất ít phụ huynh biết được, những cô cậu tuổi 15-18, thậm chí nhiều tuổi hơn, khi sống tự lập ở những phương trời mới sẽ gặp muôn vàn khó khăn: Sốc văn hóa, sốc phương pháp học, sự cô đơn, hụt hẫng, cảm thấy mình thiếu kiến thức xã hội và thua kém…
Khoa Tâm thần ở các bệnh viện tại Vũ Hán (Trung Quốc) chứng kiến số lượng trẻ rối loạn tâm thần tăng mạnh do học tập ở nước ngoài gây ra. Các chuyên gia cho rằng, du học là một bài kiểm tra tâm lý đối với học sinh, sinh viên, mà đôi khi cái giá phải trả là rất nặng nề. Du học vì thế không chỉ phụ thuộc vào điểm số và kinh tế mà điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị tinh thần.
Cô Vương Hiểu Bình, một chuyên gia tâm lý vị thành niên, chia sẻ: Cô bắt đầu gặp những bệnh nhân có vấn đề tinh thần vì du học vào khoảng năm 2010. Thời điểm đó, vài tháng cô mới tiếp nhận một trường hợp. Nhưng hiện tại, mỗi năm phải hơn chục trường hợp đến thăm khám.
Giáo sư Từ Hán Minh từ Bệnh viện Tâm thần Vũ Hán khuyên cha mẹ khi quyết định cho con ra nước ngoài nên có ý thức trau dồi tính tự lập cho con. Chẳng hạn như cho con tham gia các dịch vụ tư vấn du học và tự mình giải quyết các thủ tục du học liên quan.
Các bậc phụ huynh có điều kiện cũng có thể tận dụng kỳ nghỉ hè đưa con ra nước ngoài để trải nghiệm trước nền giáo dục lớp học phương Tây, cuộc sống gia đình bản xứ, các hoạt động thể thao, không khí đô thị, truyền thống lịch sử, văn hóa ẩm thực... để chuẩn bị về mặt tâm lý.
Ngoài ra, có 6 kiểu trẻ không thích hợp đi du học, phụ huynh cần cân nhắc:
1. Trẻ không có hứng thú ra nước ngoài
Với cha mẹ đang muốn gửi con đi du học, chuyên gia khuyên họ hãy nói chuyện với con như những người lớn. Hãy hỏi con có thích và muốn đi du học hay không, con đã sẵn sàng xa gia đình hay chưa. Nếu con không muốn, không thích, chưa sẵn sàng thì đừng ép. Chỉ khi thực sự muốn thì trẻ mới có đủ kiên trì để đối mặt với hàng loạt vấn đề sau khi ra nước ngoài.
2. Trẻ kém giao tiếp với người khác
Cuộc sống du học rất dài và cô đơn. Nếu con bạn gặp khó khăn trong giao tiếp ở nhà, đừng nghĩ rằng con sẽ đột nhiên thay đổi sau khi đến một môi trường xa lạ.
3. Trẻ có khả năng tự chăm sóc kém
Nếu một đứa trẻ có khả năng tự chăm sóc kém khi ở nhà, có thể tưởng tượng hoàn cảnh của trẻ sẽ khó khăn ra sao khi rời xa cha mẹ. Khi quyết định cho con đi du học, cha mẹ cần lưu ý đảm bảo con có khả năng tự lập. Tự lập là biết chăm lo cho bản thân mình, xử lý những vấn đề trong cuộc sống.
Chẳng hạn, tìm được nhà để thuê; mua sắm nội thất (nếu nhà trống); mua dụng cụ đồ dùng cá nhân; xe đạp và phương tiện di chuyển cá nhân; các thể loại vé, thẻ, giấy tờ... Đây đều là những vấn đề khó khăn nếu bản thân đứa trẻ không có khả năng tự xử lý.
4. Trẻ có sức chịu đựng tâm lý quá yếu
Con cái khi đi du học gặp quá nhiều vấn đề, nếu sức chịu đựng quá yếu thì khó có thể đảm bảo trẻ không bị rối loạn tâm lý.
5. Trẻ ít có khả năng tự giác học tập
Phương pháp giảng dạy ở nước ngoài rất khác so với trong nước. Nếu trẻ không chủ động sắp xếp việc học của mình thì sẽ bị thiệt thòi rất nhiều, đi đường dài không hiệu quả.
6. Trẻ tương đối cứng nhắc, thiếu khả năng thích ứng
Kiểu trẻ này khi sống dưới sự che chở của cha mẹ sẽ không gặp vấn đề gì, nhưng một khi được thả ra ngoài sẽ nảy sinh đủ thứ. Chẳng hạn: Cảm xúc bất ổn, dễ dao động; Thiếu năng lượng, mệt mỏi về thể chất và tinh thần; Mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém; Không chịu nổi và muốn bỏ học; Chán ăn, khó tiêu; Đau đầu thường xuyên và cần dùng thuốc giảm đau...
Phụ nữ Việt Nam