6 năm về hưu, tôi đã làm 2 việc “vô tâm”, vợ con rất tức giận nhưng cuối cùng lại phải cảm ơn tôi
“Người ngoài ai cũng khen tôi may mắn, tuổi già có vợ hiền, con ngoan, lương hưu cao, không phải lo nghĩ gì nhiều. Nhưng thực tế, họ không biết, tôi đã mất 6 năm sau khi về hưu mới đạt kết quả này”, người đàn ông Trung Quốc chia sẻ.
- 05-01-202462 tuổi, sau khi bị các con từ chối, tôi chọn nghỉ hưu theo cách này khiến ai cũng vui vẻ: Sống thoải mái cần gì dựa vào ai
- 30-12-2023Bới phế thải công trường, phát hiện "khối đá xù xì" nặng gần 10kg đem về làm vật chèn cửa: Chuyên gia đi qua nhìn thấy, lập tức đòi mang đi bằng được
- 22-12-2023Sếp nhờ mua đồ nhưng QUÊN trả tiền, người thường chỉ im lặng chịu thiệt, người EQ cao làm cách này khiến ai cũng vui
Ông Mạnh, năm nay đã 67 tuổi, sống tại Hồ Nam, Trung Quốc. Bên ngoài, cuộc sống của gia đình ông Mạnh rất êm ấm, hạnh phúc, là tấm gương được nhiều người ngưỡng mộ nhất vùng. Ai cũng nói ông may mắn. Tuy nhiên, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Ông Mạnh kể rằng, khi mới bắt đầu nghỉ hưu, cuộc sống của gia đình ông hoàn toàn khác.
Vợ ông Mạnh có thể chất yếu, lại ít khi tập luyện thể thao nên rất dễ bệnh. Một tháng, bà đều bị bệnh vặt vài lần. Để chăm sóc vợ, ông Mạnh từ bỏ việc giao du với bạn bè, thường xuyên ở bên, chỉ mong vợ được khỏe mạnh.
Tuy nhiên, tính tình của bà đã thay đổi đáng kể sau khi bước vào giai đoạn trung niên. Lúc mới nghỉ hưu, cả 2 thường xuyên ở nhà, hễ đụng mặt nhau là bắt đầu cãi nhau vô cớ. Ông Mạnh nghĩ cho tâm trạng và sức khỏe của vợ nên thường nín nhịn cho qua chuyện. Nhưng thời gian trôi qua, tính tình của vợ ông chẳng những không tích cực hơn, mà còn ngày một trở nên tồi tệ. Ngày nào cả nhà cũng chỉ toàn lời cãi vã, nhiếc móc.
“Tôi tức giận đến mức tranh cãi với bà ấy nhiều lần, thử đủ mọi cách nhưng không thay đổi được gì. Thành thật mà nói, lúc đó tôi rất muốn ly hôn, nhưng chúng tôi đã chung sống với nhau được nửa cuộc đời, già rồi mới ly hôn thì thật khó chịu”, ông Mạnh cho biết.
Lại thêm mối quan hệ của con trai và con dâu đang ở giai đoạn bất hòa. Đôi bên nhiều lần cãi nhau, gọi điện về phàn nàn với bố mẹ. Mỗi lần như vậy, ông Mạnh lại phải làm người “muối mặt” đứng ra giải hòa. Nhưng tình trạng này lặp đi lặp lại, mối quan hệ giữa bố và các con cũng tệ hơn, ông cũng cảm thấy lực bất tòng tâm.
Cứ thế, ông Mạnh chịu đựng ngày này qua tháng khác. Cho tới một hôm, ông cũng bị bệnh, sốt cao, nằm trên giường không muốn cử động. Vợ ông Mạnh thấy vậy nhưng chỉ lạnh nhạt bảo ông tự tìm thuốc uống. Khi gọi điện cho con trai, ông cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Con bận lắm, khi nào có thời gian sẽ nói chuyện”.
Lúc đó, ông Mạnh thực sự rất đau lòng và chợt nhận ra, đã đến lúc cần phải thay đổi. “Dựa cây, cây đổ. Dựa núi, núi mòn. Sống trên đời, chỉ có dựa vào chính mình thì mới có thể sống tốt”, ông tự nhủ.
Từ đó, ông Mạnh nhẫn tâm cắn răng quyết định sống theo cách riêng của mình. Sau khi khỏe hơn, ông dùng một phần lương hưu của bản thân để thuê một người giúp việc theo giờ, phụ trách việc giặt giũ, dọn nhà, nấu ăn và thỉnh thoảng sẽ chăm sóc bà Mạnh lúc đau ốm. Ban đầu, vợ ông tỏ thái độ không vui vì tốn tiền cho người ngoài, cũng nhiều lần bắt bẻ người giúp việc, nhưng ông Mạnh không để tâm.
Thay vì ở nhà cãi vã với vợ, ông hẹn vài người bạn ra ngoài dạo chơi, thỉnh thoảng còn đi du lịch. Khi vợ gọi điện, ông vẫn duy trì thái độ rất bình thường, nhưng chỉ cần bà bắt đầu phàn nàn, nhiếc móc hay to tiếng cãi vã, ông sẽ tắt máy và lờ đi. Mỗi lần như vậy, con trai đều gọi điện đến và làm ầm lên, trách bố vô tâm, không chăm sóc cho mẹ. Ông Mạnh tự thừa nhận: “Đúng, bố là người vô tâm”, sau đó cúp máy. Sau lần đó, sự bất mãn của con trai đối với ông đã lên đến đỉnh điểm, không chủ động liên lạc với ông nữa.
Điều đáng ngạc nhiên là sau khi bắt đầu làm như vậy, tính tình của vợ ông lại đột nhiên tốt lên rất nhiều. Bà không còn cáu gắt lung tung nữa mà đôi lúc còn mỉm cười với chồng. Không còn phải mất công mất sức cho việc nhà, không còn đau đầu vì những khoản “củi gạo dầu muối”, bà cũng bắt đầu có thêm thời gian để kết giao bạn bè nhiều hơn. Cuộc sống thảnh thơi nên tinh thần thêm thoải mái, sức khỏe của bà cũng ổn định hơn trước. Sau một thời gian, ông Mạnh đã đưa ra lời mời đi du lịch chung. Mất một lúc cân nhắc, cuối cùng vợ ông đồng ý.
Trong khi đời sống của đôi vợ chồng trung niên ngày một cải thiện, con trai của ông Mạnh lại không mấy như ý. Một ngày nọ, sau thời gian dài không liên lạc, ông Mạnh nhận được điện thoại của con trai ngỏ ý nhờ ông giúp đỡ vì tuy đã về hưu nhưng ông Mạnh vẫn có lương hưu cao, đồng thời duy trì nhiều mối quan hệ. Thế nhưng, ông chỉ nói: “Bố bận lắm, khi nào có thời gian sẽ nói chuyện”.
Cả tuần sau đó, cậu con trai nhiều lần gọi điện đều nhận được câu trả lời tương tự. Ông Mạnh đợi tới khi con trai bộc phát cơn tức giận mới nói: “Con đối xử với người khác ra sao thì sẽ nhận lại y như vậy. Vì thế, đừng trông chờ sự giúp đỡ của bố nữa. Dù gì, bố cũng là một người vô tâm. Con phải tự trưởng thành đi. Có gì, hãy cùng ngồi lại với vợ con mà bàn bạc.”
Điều ông không ngờ tới là một tháng sau đó, vợ chồng con trai ông đã đến nhà, mang theo quà biếu và nói lời xin lỗi. Họ thừa nhận, thời gian qua đã cư xử không đúng mực với cha mẹ. Khi cả hai đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn, họ cũng hiểu ra vấn đề của riêng mình trong mối quan hệ vợ chồng, từ đó cùng nhau giải quyết. Bên cạnh lời xin lỗi, họ cũng muốn cảm ơn ông Mạnh.
Bữa cơm hôm đó, cả nhà quây quần bên nhau, ai cũng tươi cười vui vẻ nhưng trong lòng ông Mạnh lại có một cảm giác khó tả. Ông nhận thức rõ rệt rằng, chỉ khi tôn trọng bản thân mình trước tiên, chúng ta mới có được sự tôn trọng của người khác.
*Nguồn: Sohu