6 tháng Lâm Đồng chỉ thu hút được 1 dự án
6 tháng đầu năm nay, Lâm Đồng chỉ thu hút được 1 dự án đầu tư, chỉ số tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) của tỉnh thấp nhất vùng Tây Nguyên, đứng thứ 58/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
- 27-06-2024Hà Nội thu hồi, bãi bỏ 153 dự án chậm triển khai
- 27-06-2024Đà Nẵng tìm chủ cho loạt dự án ở Hoà Vang
- 27-06-2024Chính phủ trình Quốc hội xem xét bố trí 1.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Gia Bình
Ngày 28/6, ông Võ Ngọc Hiệp - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - ký ban hành báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm nay.
Công tác thu hút đầu tư không đạt yêu cầu, chỉ thu hút được 1 dự án với số vốn đăng ký đầu tư 35 tỷ đồng, giảm 6 dự án so với cùng kỳ. Trong khi đó, tỉnh có 5 dự án bị thu hồi, chấm dứt hoạt động đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư gần 160 tỷ đồng, quy mô diện tích đất gần 17 ha.
Các công trình trọng điểm tuy được quan tâm chỉ đạo thực hiện nhưng tiến độ chưa đảm bảo theo yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ dứt điểm dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, tăng trưởng kinh tế đạt thấp, nhất là dự án về đường cao tốc, hồ Ta Hoét, hồ Đông Thanh, hồ Kazam…
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh, tình hình hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về số lượng và số vốn đăng ký.
Cụ thể, có 582 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 2.676 tỷ đồng, giảm 14% về số doanh nghiệp và 30,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng cao (578 doanh nghiệp), tăng 26,5% so cùng kỳ.
Công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn: Tổng thu ngân sách nhà nước bằng xấp xỉ 50% dự toán địa phương; các khoản thuế, phí và lệ phí giảm 11,5% so với cùng kỳ.
Giải ngân vốn đầu tư công tỷ lệ đạt rất thấp. Dự kiến đạt 18% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ 5%; trong đó 4 dự án chưa giải ngân và 91 dự án có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 30%.
Kinh tế Lâm Đồng tăng trưởng thấp (ước tăng 3%), giảm 2% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực công nghiệp xây dựng giảm 2%, khu vực nông lâm thủy và dịch vụ tăng thấp, lần lượt là 3% và 5%; thị trường bất động sản chưa phục hồi; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do áp lực lạm phát, chi phí nguyên vật liệu tăng cao...
Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của Lâm Đồng xếp thứ 46 cả nước, giảm 31 bậc; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố, giảm 39 bậc so với năm 2022.
Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng cũng vừa tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024. GRDP của tỉnh thấp nhất vùng Tây Nguyên và đứng thứ 58/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tiền phong