7 kiến nghị của HoREA về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở đô thị, đất ở nông thôn
Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) vừa có Văn bản số 122/CV-HoREA Góp ý Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 của UBND TP quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở đô thị, đất ở nông thôn.
Theo đó, Hiệp hội có 7 ý kiến, kiến nghị về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở đô thị, đất ở nông thôn. Cụ thể:
Thứ nhất, Hiệp hội thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên Môi trường, khi ban hành Quyết định thay thế Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, chỉ giải quyết tách thửa đối với "đất ở đô thị, đất ở nông thôn" phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể của thành phố.
Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn tình hình của thành phố, tại các quận và các thị trấn, các điểm dân cư nông thôn thuộc các huyện, có nhiều thửa đất vừa có phần diện tích đất ở, vừa có phần diện tích đất nông nghiệp xen cài, thuộc các khu dân cư hiện hữu, ổn định và để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất, nhất là đối với các thửa đất ở có xen cài đất nông nghiệp, Hiệp hội đề nghị Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, cần bổ sung quy định cho phép thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần đất nông nghiệp thành đất ở, sau đó thực hiện thủ tục cho phép tách thửa, như sau:
"Trường hợp thửa đất không thuộc khu vực Nhà nước phải thu hồi để đầu tư theo quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất được duyệt: Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất, xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất sang đất ở, sau đó thực hiện tách thửa đất theo quy định". Thửa đất sau khi chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa phải đảm bảo các điều kiện quy định về tách thửa (tương tự như quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 3 Quyết định 33/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, trước đây).
Thứ ba, Hiệp hội đề nghị, đối với trường hợp sau khi tách thửa đất ở thành các thửa đất ở nhỏ hơn, mà người sử dụng đất của từng thửa đất này tự nguyện thỏa thuận dành một phần diện tích của mỗi thửa đất để làm "thông hành địa dịch" gồm lối đi chung, xây dựng công trình cấp nước, cấp điện, thoát nước… được đấu nối vào hệ thống hạ tầng của khu vực (thực hiện theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai về "quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề"), thì diện tích đất ở của mỗi thửa đất bao gồm cả phần diện tích đất làm "thông hành địa dịch" được công nhận đầy đủ trong "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất" cấp cho người sử dụng đất.
Thứ tư, Hiệp hội thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên Môi trường: "Không quy định tách thửa đối với đất nông nghiệp và các loại đất khác"; Bỏ các quy định về "thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở); "Bỏ quy định về tách thửa có hình thành đường giao thông", trong Quyết định thay thế Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố.
Thứ năm, Hiệp hội thống nhất với đề xuất của Sở Tài nguyên Môi trường, bỏ quy định về những trường hợp không được tách thửa tại Điều 4 Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố, vì pháp luật về đất đai không giao thẩm quyền này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thứ sáu, Hiệp hội thống nhất về diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách thửa và thửa đất còn lại, như đã quy định tại Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố.
Thứ bảy, Hiệp hội đề nghị UBND Tp.HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường,Sở Xây dựng (Sở Quy hoạch Kiến trúc) và Ủy ban nhân dân cấp huyện coi trọng công tác rà soát quy hoạch, kế hoạch, nhất là kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, để vừa đảm bảo tính khả thi, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; vừa đáp ứng kịp thời yêu cầu đầu tư của doanh nghiệp; vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất.