MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7.000 tỷ đồng làm đường cao tốc: Vì sao Trung Quốc thích cho Việt Nam vay?

Nếu đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được xây dựng thì đây sẽ là cánh tay nối dài cho hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương và đi lại với Trung Quốc. Nhưng những hệ quả nhãn tiền như đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng kém và những nguy cơ tiềm ẩn khác đang đặt ra nhiều dấu hỏi cho các nhà quản lý.

Móng Cái là một trong những cửa khẩu quốc tế quan trọng của nước ta nối với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Ðặc biệt, Móng Cái tiếp giáp với TX. Ðông Hưng là khu kinh tế mở của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Khu kinh tế này đang được xây dựng thành một thành phố lớn, hiện đại, đa chức năng và được xác định là cửa ngõ để Trung Quốc đi vào thị trường Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là trọng tâm.

Mỗi năm, giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước qua cửa khẩu Móng Cái lên tới hàng tỷ USD. Dẫn chứng là trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu đã lên tới 3,8 tỷ USD, tăng trên 73% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Vân Đồn nằm trong quy hoạch để trở thành Đặc khu kinh tế, là mũi nhọn kinh tế của khu Đông Bắc. Đây không chỉ là khu vực có vị trí địa kinh tế quan trọng mà còn có vị trí chính trị chiến lược quan trọng với Việt Nam và quốc tế.

Cụ thể, Vân Đồn nằm trên đường trung chuyển chiến lược từ khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc; nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung; hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore và khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, việc xây dựng tuyến giao thông kết nối Vân Đồn – Móng Cái có ý nghĩa để thúc đẩy giao thương, xuất nhập khẩu của hai nước, bởi đây là con đường chính trong vận tải hàng hóa sang Trung Quốc.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, thì cho rằng Trung Quốc muốn cho xây đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái để thúc đẩy kết nối đường bộ và Trung Quốc có thể sử dụng cảng Vân Đồn để vận tải hàng hóa. Đây là cơ hội rất thuận lợi cho giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa của hai nước.

Tuy nhiên, TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế thì lại bày tỏ quan ngại việc sử dụng nguồn vốn Trung Quốc có thể để lại nhiều hệ lụy, mà trước hết là trong quá trình xây dựng dự án. Những nguy cơ như đội vốn, chậm tiến độ hay chất lượng kém… là vấn đề có thể diễn ra đối với dự án cao tốc này.

Nhìn từ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông như một bài học, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình và cho rằng, việc vay vốn ODA với Trung Quốc phải hết sức thận trọng.

“Phải đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại sốt sắng cho chúng ta vay như vậy? Vì sao tuyến đường đó lại được chào đón như vậy? Thực tế với dự án Cát Linh – Hà Đông, lúc đầu thì chào mời giá rẻ, sau tìm cách tăng vốn đầu tư. Nhiều điều kiện ràng buộc vậy chúng ta kiểm soát thế nào” – ĐBQH Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.

Do đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh, cho rằng Vân Đồn là địa điểm chiến lược về kinh tế, quốc phòng quan trọng. Vì vậy cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng và thận trọng hơn, nếu ký hợp đồng với Trung Quốc thì phải xem xét cụ thể các điều khoản cho vay và giám sát dự án.

Linh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên