MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7.000 xe ô tô công dự kiến dôi dư, sẽ đem bán đấu giá?

Sau khi áp dụng các quy định mới về chế độ trang bị sử dụng ô tô công, dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc ô tô.

Sáng 20/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 9, cho ý kiến vào Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong Luật, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng; hoặc tài sản được cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, định mức nhưng cá nhân lãnh đạo sử dụng tài sản đó cũng gây dư luận không tốt trong xã hội.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc này đã được quy định rõ trong Nghị định 29 của Chính phủ và Quyết định 64 của Thủ tướng, theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà.

Trường hợp tổ chức, cá nhân tặng cho vẫn có nguyện vọng thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho/biếu/tặng có nhiều trường hợp sai quy định, gây dư luận không tốt, đặc biệt đối với tài sản là ô tô và các tài sản phục vụ cho cá nhân.

Mặt khác, mặc dù tài sản cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, song việc cá nhân sử dụng tài sản này cũng dễ gây nghi ngờ về tính khách quan khi xử lý các vấn đề liên quan đến đơn vị cá nhân cho biếu tặng. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 10 về các hành vi bị cấm như sau: “Sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho để phục vụ cho cá nhân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Cho ý kiến vào dự án Luật, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng nếu là quà cho, biếu, tặng mà không nhận để tăng tài sản của Nhà nước lên thì rất phí, nhưng việc trục lợi hoặc đánh giá động cơ sử dụng từ những quà tặng này lại hết sức khó khăn.

"Nếu cho, biếu, tặng, rồi sau đó có mối quan hệ, có hợp đồng kinh tế, có mối liên hệ qua lại thì thực sự rất khó minh bạch. Vì vậy cần có quy định chặt chẽ, phải làm sao động cơ cho, biếu, tặng không ảnh hưởng đến việc trục lợi cá nhân" - bà Hải góp ý.

Bày tỏ lo lắng khi nói về việc sử dụng tài sản công, bà Hải cho rằng việc này chưa thể hiện được quan điểm thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Liên quan việc bán tài sản công, bà Hải phân tích, quy định có nói rõ những tài sản công nào bán phải qua đấu giá, nhưng lại có một điều khoản quy định những tài sản công bán không cần qua đấu giá, và quy định này lại thiếu định lượng và tạo khả năng lách luật, có thể ảnh hưởng tới quá trình thực hiện chống tiêu cực, lãng phí.

"Tôi rất băn khoăn về quy định này. Hôm qua báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - ngân sách về báo cáo của Chính phủ trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí có nói ở một số nơi xảy ra thất thoát, lãng phí, nhất là với ô tô công, đặc biệt bán không qua đấu giá" - bà Hải nói và dẫn thông tin từ tài liệu về tuyên truyền công tác Phòng chống lãng phí của Ban Tuyên giáo T.Ư, sau khi áp dụng các quy định mới về chế độ trang bị sử dụng ô tô công dự kiến sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc ô tô, vì vậy, nếu tính từng chiếc ô tô có thể giá trị nhỏ, nhưng với 7.000 chiếc thì rất lớn.

"Nếu sắp xếp lại và thực hiện việc bán tài sản của Nhà nước theo quy định, tới đây dôi ra 7.000 chiếc mà đánh giá định lượng đó là tài sản có giá trị nhỏ theo quy định của Chính phủ, bán không qua đấu giá, không công khai, minh bạch thì tôi rất lo lắng về việc này" - bà Hải góp ý và cho biết vừa qua báo chí đã nêu một số tỉnh bán xe biển xanh không qua đấu giá, giá khởi điểm rất thấp, vì vậy đề nghị cân nhắc việc bán tài sản công.

Theo Hoài Vũ

Báp giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên