750 dự án ở Hà Nội vào 'tầm ngắm' rà soát
Năm 2023, TP Hà Nội đặt mục tiêu rà soát, đánh giá 750 dự án, từ đó xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai, không đủ điều kiện pháp lý. Trong đó, dự kiến phải dừng 4 dự án và thu hồi trên 2.600 ha và chấm dứt hoạt động đối với khoảng 60 dự án chưa xác định đất.
- 20-02-2023Điểm mặt 7 dự án bất động sản được UBND TP.HCM đưa ra bàn 'giải cứu'
- 20-02-2023Quảng Ngãi khởi công nhiều dự án giao thông lớn trong năm 2023
- 19-02-2023'Không hợp thức hóa những dự án vi phạm' khi xây dựng nghị định về lấn biển
"Khai tử" khoảng 60 dự án chưa xác định đất
Tại hội nghị trực tuyến về bất động sản diễn ra mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thời gian qua, đặc biệt trong năm 2022, thị trường bất động sản TP chưa khởi sắc.
Theo đó, nguồn cung sản phẩm ở mức thấp, chủ yếu là từ các dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư trước đây. Các dự án đầu tư mới được chấp thuận không nhiều, chỉ một vài dự án đấu giá đất với quy mô nhỏ.
Năm 2023, TP Hà Nội đặt mục tiêu phải rà soát, đánh giá 750 dự án để đề xuất các biện pháp xử lý.
Chính sách tín dụng siết chặt, giá nguyên vật liệu tăng cao đã đẩy giá sản phẩm bất động sản tăng theo. Một số vướng mắc về thủ tục đầu tư khiến các chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tham gia thị trường. Theo đánh giá, giá bất động sản tăng trên 10% trong năm 2022.
Cũng theo ông Tuấn, từ đầu năm đến hết quý III/2022, giao dịch bất động sản trên thị trường bất động sản Hà Nội trầm lắng hơn cuối năm 2021, lượng sản phẩm được chào bán trên thị trường tập trung chủ yếu vào các dự án đầu tư ở các quận, huyện vùng ven đô.
Phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp chiếm đa số nhưng giá rất cao, lượng giao dịch thấp, ước chỉ đạt khoảng 10% lượng sản phẩm chào bán ra thị trường. Trong năm 2022 giảm 25% số lượng căn hộ đưa ra thị trường và tổng diện tích sàn giảm 55% so với năm 2021.
“Trên cơ sở này, năm 2023, TP Hà Nội quyết tâm phải rà soát, đánh giá 750 dự án để thu hồi. Trong đó, thành phố dự kiến sẽ phải dừng 4 dự án và thu hồi trên 2.600 ha và chấm dứt hoạt động đối với khoảng 60 dự án chưa xác định đất”, ông Dương Đức Tuấn nói.
Đấu thầu, đấu giá đất còn nhiều vướng mắc
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, TP có đặc điểm là khi mà mở rộng địa giới hành chính, tiếp nhận các dự án của các tỉnh thành, bổ sung các nguồn lực này vào cho đấu thầu, đấu giá, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, TP cũng xác định 300ha phân bố Đông - Tây - Nam - Bắc đối với TP và đặc biệt là trên cơ sở pháp lý này đẩy mạnh về đấu thầu, đấu giá.
Nhiều vướng mắc trong việc đấu thầu, đấu giá đất.
Tuy nhiên, trong trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì buộc phải thu hồi đất, còn đấu giá quyền sử dụng đất phải trên cơ sở xác định các pháp lý liên quan tới ranh giới của khu vực đấu thầu và đấu giá. Vì vậy, vướng mắc là trong việc thu hồi đất, đặc biệt những vấn đề thuộc đối tượng không thể thu hồi đất, chỉ có nhận chuyển nhượng thì không thể đấu thầu được, còn đấu giá đòi hỏi khoảng thời gian tương đối lớn.
Theo ông Tuấn, thực tế tình trạng đấu thầu , đấu giá trên chính mảnh đất có chủ quản lý sử dụng đất và thời gian thuế đất vẫn còn, đây là điểm nghẽn.
Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị, xây dựng một nghị định linh hoạt của Chính phủ để xâu chuỗi lại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, phân định rõ đấu thầu, đấu giá và chỉ định theo cơ chế, để phát triển dự án mới và thúc đẩy các dự án đang vướng mắc.
Đối với việc triển khai nhà ở xã hội, mặc dù Thủ tướng chỉ đạo rất mạnh mẽ, có đề án 1 triệu căn hộ, tuy nhiên, khả năng phân bố khu vực nhà ở xã hội chủ yếu là 20% trong các khu nhà ở, khu đô thị mới đã hình thành, còn các khu mới phải đấu thầu, đấu giá thì cần thời gian.
Hiện nay đang thiếu các cơ chế chính sách cho phân khúc nhà ở cấp trung. TP Hà Nội sẽ tiến hành đấu thầu 5 khu nhà ở tập trung nhưng cơ chế chính sách về việc này chưa có. Vì vậy cần có một nghị định linh hoạt của Chính phủ để xử lý vấn đề này.
Tiền phong