MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8 đề xuất mới của Viettel với Chính phủ

8 đề xuất mới của Viettel với Chính phủ

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội" sáng 24/3, Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đưa ra 8 kiến nghị, đề xuất để DNNN tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, đề xuất Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước thực hiện một số dự án/nhiệm vụ quan trọng của nền kinh tế

Thời gian qua, một số doanh nghiệp nhà nước đã được giao nhiệm vụ nhưng chưa cụ thể; chưa phân công rõ vai trò của từng doanh nghiệp nhà nước; năng lực của doanh nghiệp nhà nước bị phân tán.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025 Việt Nam trở thành một nước có công nghiệp theo hướng hiện đại, đến 2030 trở thành nước có công nghiệp hiện đại. Chúng ta không thể có một nền công nghiệp hiện đại nếu chỉ đi mua và phụ thuộc vào nước ngoài, mà phải tự chủ trong việc nghiên cứu, thiết kế, làm chủ công nghệ, tạo ra những sản phẩm "Make in Việt Nam". Do đó, Chính phủ cần giao những nhiệm vụ này cho các doanh nghiệp nhà nước.

Viettel đề xuất Chính phủ mạnh dạn giao cho các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước thực hiện một số dự án/nhiệm vụ quan trọng, cụ thể thuộc các lĩnh vực mới, lĩnh vực khó, mang tính chất mở đường, dẫn dắt, liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia… Các nhiệm vụ này nếu được triển khai thành công sẽ tạo ra phát triển đột phá cho nền kinh tế.

Thời gian vừa qua, Viettel cũng đã nhận được những nhiệm vụ rất quan trọng từ Quân uỷ Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thời gian tới, Viettel tiếp tục sẵn sàng nhận, triển khai bất cứ nhiệm vụ gì được Chính phủ giao.

Thứ hai, đề xuất Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, tăng tính chủ động trong công tác đầu tư đối với các DNNN

Để doanh nghiệp tăng trưởng, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao hiệu quả SXKD thì vấn đề đầu tư phát triển có ý nghĩa sống còn; doanh nghiệp có đầu tư thì mới có phát triển.

"Tôi biểu thị sự nhất trí cao với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là: Coi DNNN có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Do vậy, DNNN cần được phân cấp, trao quyền chủ động cao hơn trong công tác đầu tư, mua sắm; từ đó mới có thể linh hoạt, chớp thời cơ, phản ứng nhanh với thị trường, cạnh tranh được với các doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" - Đại tá Tào Đức Thắng nói.

Hiện nay, việc mua sắm cho các dự án đầu tư kinh doanh của DNNN có khi phải mất hàng năm trời do việc thẩm định dự án mất nhiều thời gian và sau khi có quyết định đầu tư mới được đấu thầu. Trong khi đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ 1 tháng là có thể ký được hợp đồng.

Thứ ba, đề xuất Chính phủ đẩy mạnh phân cấp cho các DNNN được chủ động thành lập, tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị nội bộ

Khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng, nhất là các công nghệ 4.0, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới, đòi hỏi các DNNN phải thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường. Do đó, Chính phủ cần giao cho các DNNN chủ động tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị nội bộ để triển khai các hoạt động SXKD theo mô hình mới.

Thứ tư, đề xuất Chính phủ quy định đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo phương thức đánh giá tổng thể, không đánh giá riêng từng dự án nhằm tạo động lực trong hoạt động SXKD

Việc yêu cầu đánh giá hiệu quả của từng dự án không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, khi các DNNN đều triển khai nhiều dự án, nhiều lĩnh vực hoạt động. Thực tế hoạt động SXKD của doanh nghiệp chịu tác động của rất nhiều yếu tố và luôn có rủi ro nhất định, không thể "trăm trận trăm thắng". Điều này dẫn đến các DNNN không dám đầu tư vào các lĩnh vực mới, lĩnh vực đổi mới sáng tạo, không đón đầu được các cơ hội.

Do đó, Viettel đề xuất Chính phủ quy định việc đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo phương thức đánh giá tổng thể, không đánh giá riêng từng dự án. Nội dung này cần được quy định rõ trong các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo tính nhất quán khi đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp.

Thứ năm, đề xuất Chính phủ nhanh chóng ban hành hướng dẫn cụ thể để DNNN thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm

Việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các công nghệ mới, các Start-Up, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, từ đó, thúc đẩy đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh mới, phát triển liên kết, tạo ra hệ sinh thái để các doanh nghiệp cùng phát triển. Mặt khác, điều này cũng sẽ khắc phục được tình trạng các Start-Up ở Việt Nam hiện nay đang rất thiếu vốn và chủ yếu trông đợi từ các Quỹ đầu tư nước ngoài và bị các Quỹ đầu tư nước ngoài thâu tóm.

Tính chất của hoạt động đầu tư mạo hiểm là có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, 10 dự án đầu tư có thể chỉ thành công 1 đến 2 dự án nhưng sẽ bù đắp được cho toàn bộ chi phí bỏ ra. Vì vậy, Viettel đề xuất Chính phủ có hướng dẫn cụ thể về việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm để các DNNN triển khai thực hiện.

Thứ sáu, về vấn đề tăng quy mô vốn, tài sản cho DNNN

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động, vươn ra thị trường quốc tế thì DNNN rất cần tăng quy mô vốn và tài sản. Ngoài việc bổ sung vốn điều lệ từ Quỹ đầu tư phát triển, đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại nộp ngân sách nhà nước.

Viettel đã được phê duyệt vốn điều lệ đến hết 2020 là 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết 2021, vốn điều lệ của Viettel mới đạt 160.000 tỷ đồng. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung để đảm bảo đủ vốn điều lệ 300.000 tỷ đồng.

Thứ bảy, đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư nước ngoài

Theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một trong những đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2030 đó là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. Công tác đầu tư nước ngoài sẽ góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu văn hoá và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ năng động, có kinh nghiệm kinh doanh quốc tế.

Do đó, Viettel đề xuất Chính phủ, các Bộ ngành kiên định ủng hộ, hỗ trợ hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel; cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, quan điểm thúc đẩy, quản lý, đánh giá, tăng cường xúc tiến, đàm phán các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước mà Viettel đã đầu tư, đồng thời hướng dẫn Viettel giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, rủi ro gặp phải trong quá trình đầu tư ra nước ngoài.

Thứ tám, về cơ chế đặc thù cho các DNNN

Hiện nay, các DNNN rất đa dạng về quy mô, tính chất và lĩnh vực hoạt động, do đó các cơ chế đặc thù cũng cần phải thiết kế cho từng nhóm doanh nghiệp hoặc thậm chí đến từng doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, những cơ chế đặc thù đối với Viettel cũng đã được sử dụng một cách rất hiệu quả.

Do đó, Viettel đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan, Bộ/ngành của Chính phủ trực tiếp làm việc với các DNNN để xây dựng những cơ chế đặc thù phù hợp với từng doanh nghiệp, qua đó thực tiễn được phản ánh đầy đủ vào cơ chế chính sách, giúp các DNNN thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao trong thời gian tới.

"Chúng tôi tin tưởng rằng, sau Hội nghị này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra những quyết sách cụ thể, kịp thời để DNNN tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong việc thực thi chiến lược quốc gia; trở thành cơ sở vật chất, cơ sở chính trị quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới" - Đại tá Tào Đức Thắng nhấn mạnh.

https://cafef.vn/8-de-xuat-moi-cua-viettel-voi-chinh-phu-20220324143340888.chn

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên