8 lời khuyên từ các "ông trùm" trên thế giới về vấn đề tài chính khi 2017 sắp kết thúc
Bạn đang lo âu về chuyện cơm áo gạo tiền, bạn đang buồn phiền vì chẳng bao giờ thấy mình dư giả, bạn đang lo rằng năm mới sắp đến rồi mà chiếc ví của mình vẫn xẹp lép thế kia? Dưới đây là những chia sẻ của những nhà triệu phú tự lập và những tỷ phú giàu nhất thế giới về việc tiết kiệm, đầu tư, cũng như cách để tăng “hầu bao” cho bạn.
- 14-12-2017Những độc chiêu tiết kiệm tiền siêu hiệu quả mà bạn không ngờ tới
- 09-12-2017Làm thế nào để tiết kiệm ít nhất 50% thu nhập mỗi tháng?
- 04-12-2017Lời khuyên từ tỉ phú hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư: Tiết kiệm khi còn trẻ bạn sẽ tự do và nhiều sự lựa chọn hơn cho tương lai
Suze Orman: Tìm niềm vui trong việc tiết kiệm tiền
Chìa khóa để tiết kiệm tiền là tìm ra cùng một loại niềm vui mà bạn có được từ việc chi tiêu khi bạn tiết kiệm. “Phù thủy tài chính” chia sẻ với CNBC rằng: “Đừng bao giờ coi chuyện tiết kiệm tiền là một chuyện tẻ nhạt bởi sau đó bạn sẽ được nhận lại nhiều hơn”.
Đừng bao giờ suy nghĩ đến việc khi nào có thể “tận hưởng” số tiền mà bạn tiết kiệm hàng tháng trời, thay vào đó hãy nghĩ đến khoảng thời gian mà bạn tiết kiệm. Nếu bạn làm được điều đó thì có nghĩa là bạn không còn quan tâm đến vấn đề tiêu tiền nữa.
Warren Buffett: Đầu tư vào bản thân là đầu tư quý giá nhất
Nhà hiền triết xứ Ohama chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Forbes rằng: “Không ai có thể lấy đi những giá trị mà bạn có, tất cả mọi người đều có tiềm năng sức mạnh của mình, chỉ là chưa đến lúc học nhận ra và sử dụng chúng mà thôi. Chính vì thế, sau tất cả, bạn sẽ không bao giờ có được khoản lợi nhuận nào tốt hơn trong cuộc sống so với khi bạn thực sự đầu tư vào chính mình”.
Kyle Taylor: Sử dụng quy tắc 50/30/20
Kyle Taylor là nhà sáng lập, CEO của trang web tư vấn tài chính The Penny Hoarder, một người trong tình trạng tài chính “thê thảm” trở thành một triệu phú tự thân chỉ trong vài năm. Một trong những bí quyết giúp anh thành công nhanh chóng đó là áp dụng tiêu chí tiết kiệm chặt chẽ với công thức 50/30/20. Cụ thể đó là 50% tiền lương chuyển thẳng vào tài khoản tiết kiệm, 30% chi cho các chi tiêu cần thiết và 20% dành cho các mục đích vui chơi, giải trí.
Taylor chia sẻ: “Thiết lập trước các tỷ lệ phần trăm sẽ cho bạn sự tự do và khả năng kiểm soát để đảm bảo rằng bạn đang đưa ra một quyết định tài chính khôn ngoan”.
Spike Lee: Đừng ngại sử dụng tiền của người khác
Đạo diễn Hollywood nổi tiếng Spike Lee từng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Wealthsimple hồi đầu năm nay: Tôi không gặp rắc rối gì trong chuyện vay mượn tiền từ người khác. Bởi vì tôi tin vào năng lực của bản thân mình, khả năng kể chuyện lôi cuốn của mình và cả những người xung quanh với những dự án mà tôi thực hiện”.
Sau khi phỏng vấn hơn 1.000 người giàu có để viết nên cuốn sách "Người giàu suy nghĩ như thế nào", Steve Siebold - một triệu phú tự thân nổi tiếng tại Mỹ nhận thấy rằng Spike Lee cũng như những ông chủ khác đều không ngần ngại khi đầu tư tương lai của họ bằng tiền của người khác.
Mark Cuban: Mua hàng loạt
Trong một buổi phỏng vấn với Vanity Fair, tỷ phú Mark Cuban đã chia sẻ một cách chi tiết về thói quen chi tiêu của ông: mua nhu yếu phẩm với số lượng lớn trong thời kỳ giảm giá. Có những thứ, bạn sẽ luôn sử dụng nhiều lần trong năm, và nhiều năm trong đời như kem đánh răng, dầu gội và xà phòng. Việc mua hàng với số lượng lớn sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều tiền hơn.
"Hãy thiết lập ngân sách, gạch ra những món đồ bạn thường xuyên sử dụng, sau đó đến cửa hàng, mua với số lượng lớn. Nếu mua kem đánh răng 1 lần để dùng cho suốt 1 năm, thậm chí 2 năm, bạn có thể tiết kiệm được 50% số tiền" – Mark Cuban chia sẻ.
Thậm chí, không chỉ dừng lại ở những tuýp kem đánh răng, chiến lược này còn có thể áp dụng ở bất kì thiết bị tái sử dụng và những mặt hàng tiêu dùng mà bạn cần.
Grant Cardone: Phát triển nhiều nguồn thu nhập
“Ông vua bán hàng” Bill Cardone, một triệu phú đi lên từ 2 bàn tay trắng chia sẻ: "Bạn sẽ không thể giàu được nếu không có nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Hãy đẩy mức thu nhập hiện tại của bạn lên và bắt đầu liên kết với nhiều nguồn thu nhập khác”.
Trong nghiên cứu về triệu phú tự thân kéo dài 5 năm của tác giả Thomas C. Corley, ông tìm ra rằng rất nhiều người trong số họ có nhiều nguồn thu nhập: 65% có ba nguồn thu nhập trở lên, 45% có bốn nguồn thu nhập trở lên và 29% có năm nguồn thu nhập trở lên.
Chris Reining: Để tiết kiệm lớn hãy bắt đầu nhỏ
Triệu phú Chris Reining đã thiết lập mục tiêu kiếm được 1 triệu USD ở tuổi 35 và chính thức nghỉ hưu ở tuổi 37, anh chia sẻ rằng chìa khóa để tiết kiệm với một khoản tiền lớn đó là bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.
Những thay đổi nhỏ sẽ dẫn dắt bạn để bạn có thể thực hiện những thay đổi lớn lao.
Anh nói rằng: "Tôi biết có một số người cho rằng một tách café 5 USD chẳng có gì đáng lo lắng cả, tuy nhiên tôi lại nghĩ đến nó nhiều hơn bởi việc cắt giảm 5 USD café là một cách để bắt đầu quá trình tiết kiệm. Nếu bạn không bắt đầu từ những thói quen tưởng như nhỏ bé này thì sau đó, những điều lớn hơn như nhà cửa, xe cộ... sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tài chính của bạn, và tất nhiên bạn chẳng thể làm được bất cứ điều gì".
Grant Sabatier: Đừng quên, tiền không phải là tất cả
"Tiền không phải là tất cả, và nó không đáng để hy sinh sức khoẻ, gia đình, bạn bè hay những trải nghiệm quý giá khác trong cuộc đời bạn", đó là châm ngôn sống của triệu phú tự thân Sabatier , người đã phá vỡ bảy con số trong vòng 5 năm.
Anh chia sẻ: "Tôi đã đánh mất một vài người bạn và từng gặp rắc rối với những mối quan hệ xung quanh mình bởi tôi đã dành quá nhiều thời gian để ở lại muộn trong văn phòng và làm thêm vào những ngày cuối tuần. Mặc dù tôi đã tin rằng việc có tiền là có tự do, nhưng thực chất tiền chỉ là một công cụ để tạo ra kinh nghiệm trong cuộc sống mà thôi".
Thay vì chỉ tập trung vào việc làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn, hãy đặt ra các mục đích sống. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi như: Bạn muốn làm gì với tiền của bạn? Bạn muốn làm việc bao nhiêu giờ một tuần? Bạn muốn đi du lịch bao nhiêu lần trong một năm?
Nói tóm lại, kiếm tiền và tiết kiệm được nhiều tiền chỉ hữu ích khi bạn có một dự định, một kế hoạch ý nghĩa trong đầu mà bạn muốn sử dụng tiền để thực hiện nó.
CNBC