MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

90 đầu mối “chây ì” báo cáo giải ngân vốn đầu tư công

Có tới gần 40 bộ và cơ quan trung ương, 51 địa phương không báo cáo định kỳ giải ngân đầu tư công đúng hạn.

GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN

Mới đây, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 6 tháng và ước thực hiện 7 tháng năm 2020.

Theo số liệu thống kê, ước thanh toán từ đầu năm tới hết tháng 7 (bao gồm cả phần vốn các năm trước chuyển sang) là 216.538,4 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch.

Nếu tính riêng phần giải ngân vốn kế hoạch của năm 2020, ước thanh toán từ đầu năm tới 31/7 đạt 194.177,65 tỷ đồng, hoàn thành hơn 41,2% so với kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm.

Như vậy, số liệu giải ngân đầu tư công đã có sự chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước đó. Ở tháng 5, sau giai đoạn giãn cách xã hội, tỷ lệ này mới chỉ đạt 26%. Cùng kỳ 2019, con số này đạt 34,3%.

Có 12 bộ, cơ quan trung ương (CQTW) và 38 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân sau 7 tháng đạt trên 35% kế hoạch. Trong đó, có 6 bộ, CQTW và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 55%.

90 đầu mối “chây ì” báo cáo giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Ở thái cực khác, cũng có tới 24 bộ, CQTW và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%. Trong đó, 10 bộ, CQTW tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Đáng chú ý có đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào, như: Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến giải ngân chậm chạp, như chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư có nhiều vướng mắc khiến người dân không đồng thuận. Dịch Covid-19 cũng khiến việc huy động nhân lực, vật tư, tổ chức thi công gặp nhiều khó khăn, nhiều công trình phải tạm dừng thi công ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...


90 ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG "CHÂY Ì" GỬI BÁO CÁO ĐỊNH KỲ

Một diễn biến đáng quan ngại là trong báo cáo của Bộ Tài Chính, đơn vị này nêu tình trạng rất nhiều đơn vị không báo cáo định kỳ giải ngân đầu tư công trong tháng 7 đúng hạn.

Cụ thể, tới ngày 25/7 là ngày chậm nhất phải báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công, chỉ có có 15/54 Bộ, CQTW và 12/63 địa phương báo cáo đúng hạn.

Có những báo cáo Bộ Tài chính nhận được sau thời điểm tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, còn xuất hiện sự thiếu đồng nhất giữa mẫu biểu và nội dung tiêu chí báo cáo của các bộ, ngành và địa phương.

Trước đó, Bộ Tài chính đã phải nhiều lần nhắc nhở tình trạng nhiều bộ, ngành và địa phương báo cáo không đầy đủ, thường xuyên muộn hơn so với quy định. Vì thế, cơ quan này phải căn cứ vào số liệu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

MỘT SỐ THỐNG KÊ VỀ GIÁ TRỊ, CƠ CẤU, PHÂN BỔ KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ TỪ NGUỒN NSNN NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ

90 đầu mối “chây ì” báo cáo giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.
90 đầu mối “chây ì” báo cáo giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 3.

Theo Bộ Tài chính, đến ngày 25/7, đơn vị này đã nhận được báo cáo phân bổ vốn đầu tư từ nguồn NSNN của 52/53 bộ, CQTW và toàn bộ 63 tỉnh thành cùng 54/54 báo cáo phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia của các đơn vị với tổng số vốn phân bổ là hơn 502.726,3 tỷ đồng, đạt 105,29% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng giao.

Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương giao tăng so với số kế hoạch của Chính phủ giao là hơn 53.444 tỷ đồng thì tổng số vốn đã phân bổ đạt hơn 449.281 tỷ đồng, đạt 94,1% kế hoạch.

90 đầu mối “chây ì” báo cáo giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 4.

Tổng vốn đầu tư công phân bố từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 lên tới 700.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 30 tỷ USD). Số vốn này bao gồm 470.600 tỷ trong dự toán ngân sách và 225.200 tỷ đồng là vốn của năm 2019 chuyển sang. Như vậy, vốn đầu tư công phải giải ngân năm 2020 gấp hơn 2 lần số vốn thực giải ngân của năm 2019 (hơn 300 nghìn tỷ đồng).

Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã liên tục có những chỉ đạo, đốc thúc các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Trung tuần tháng 7, Thủ tướng ký quyết định thành lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn.

Trước đó, tại Hội nghị "Sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2020" , Thủ tướng tiếp tục khẳng định: "Sẽ đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công".

Theo Tuấn Việt

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên