99% chúng ta đang mắc phải 7 thói quen xấu gây căng thẳng, lo lắng và giảm năng suất công việc này
Lo lắng và phiền muộn ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta, cả về thể chất và tinh thần, đồng thời còn làm giảm năng suất công việc và học tập.
- 10-04-2017Chẳng xuất sắc ở trường học nhưng họ vẫn làm sếp, đừng "cay cú" vì bạn chưa biết những điều này ở trường đời
- 10-04-2017Tại sao hít thở sâu giúp bạn bình tĩnh và thư giãn hơn? Các nhà khoa học đã tìm thấy manh mối
- 09-04-2017Thói quen ngủ "kỳ lạ" định hình thành công của ông chủ Amazon
Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA), giới trẻ ngày nay dễ bị căng thẳng và ít có khả năng quản lý cảm xúc hơn những thế hệ khác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi giới trẻ lo lắng nhiều hơn những người lớn tuổi. Báo cáo của APA cho thấy, 12% giới trẻ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, gần gấp đôi tỷ lệ của người lớn tuổi.
Lo lắng và phiền muộn ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta, cả về thể chất và tinh thần, đồng thời còn làm giảm năng suất công việc và học tập.
Dưới đây là 7 thói quen phổ biến mà hầu hết giới trẻ đều mắc phải gây ra căng thẳng và mệt mỏi:
1. Ngủ không đủ giấc
Đây được coi là thói quen phổ biến nhất, là nguyên nhân hàng đầu gây ra sự căng thẳng và mệt mỏi ở giới trẻ. Nghiên cứu của Đại học California cho thấy, thiếu ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy vùng não gây ra sự lo lắng quá mức.
Nguyên nhân chung thường là không đi ngủ đúng giờ, dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại và máy tính. Việc sử dụng điện thoại hay máy tính nhiều giờ trước khi ngủ dường như đã trở thành thói quen khó bỏ của phần đông bạn trẻ.
Giải pháp:
Đặt một quyển sổ bên cạnh giường ngủ để ghi lại những suy nghĩ của bạn và tập thể dục thường xuyên.
2. Bỏ bữa
Các bữa ăn trong ngày không chỉ giúp cơ thể ổn định trao đổi chất và cân bằng mức insulin, mà còn giúp ổn định tinh thần và tăng sự phấn khởi.
Theo tạp chí Cơ thể và Sức khoẻ: “Trì hoãn bữa ăn quá lâu hoặc bỏ bữa dẫn đến lượng đường trong máu không ổn định, gây ra cảm giác lo âu cũng như các trạng thái run rẩy, chóng mặt, lẫn lộn hoặc khó phát âm”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra khi mất nước. Thức ăn và nước là nhu cầu sinh học tự nhiên của cơ thể, thiếu chúng tất sẽ dẫn đến lo lắng.
Giải pháp:
Ăn uống điều độ và đầy đủ là giải pháp duy nhất. Bạn nên uống một ly nước ngay sau khi vừa ngủ dậy. Nếu phải làm việc cả ngày, hãy mang theo nước và đồ ăn vặt để cung cấp năng lượng.
3. Uống café
Café giúp chúng ta tỉnh táo và tập trung hơn. Trong nhiều trường hợp, café rất có ích khi chúng ta xử lý các công việc ngắn hạn. Tuy nhiên, lạm dụng café sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh, gây ra cáu kỉnh, hoảng sợ. Chất caffein đặc biệt nhạy cảm với người mắc chứng rối loạn hoảng sợ và ám ảnh xã hội. Ngoài ra, caffein là chất lợi tiểu gây mất nước nhanh.
Giải pháp:
Cố gắng giảm lượng café xuống còn 1 ly/ngày, thay vào đó là dùng trà hoặc sữa.
4. Ngồi nhiều
Công việc tại công sở đòi hỏi bạn phải ngồi nhiều, thậm chí chiếm hơn một nửa thời gian trong ngày. Việc chỉ ngồi một chỗ mà không tiếp xúc với môi trường bên ngoài là nguy cơ gây ra lo lắng và chán nản.
Giải pháp:
Nếu bạn phải làm việc cả ngày, hãy đứng dậy và đi lại sau 60-90 phút ngồi liên tục. Hãy hạn chế tác hại của việc ngồi nhiều bằng cách tập thể dục. Có rất nhiều bài tập dành cho dân công sở trong thời gian ngắn mà bạn nên tham khảo và học hỏi.
5. Sử dụng điện thoại
Nghiên cứu năm 2014 của Đại học Baylor cho thấy, sinh viên Mỹ dành trung bình 9 tiếng mỗi ngày trên điện thoại. Tất nhiên, công nghệ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, lạm dụng nó là một trong những nguyên nhân của lo âu. Hình thức giải trí trên điện thoại thực chất không hề làm bạn thư giãn mà còn làm tăng sự hồi hộp của hệ thần kinh trung ương, từ đó tăng sự lo lắng.
Giải pháp:
Hãy sử dụng điện thoại một cách có ý thức và những chức năng cần thiết. Có nhiều hoạt động thú vị khác đang chờ bạn thay vì cứ chăm chăm cắm đầu vào màn hình điện thoại.
6. Không cân bằng công việc – cuộc sống
Năng suất công việc không được đo bằng số giờ làm việc, mà đo bằng kết quả công việc, nhưng giới trẻ không tin điều đó. Họ làm việc mọi lúc mọi nơi. Ngay cả khi đã rời khỏi văn phòng, họ vẫn làm việc. Không cân bằng giữa công việc và cuộc sống là nguyên nhân lớn gây ra stress và áp lực.
Giải pháp:
Chúng ta vẫn có thể nuôi dưỡng tham vọng và gây ấn tượng với sếp mà không nhất thiết phải hy sinh sức khỏe và cuộc sống cá nhân. Hãy sắp xếp một lịch làm việc và nghỉ ngơi sao cho phù hợp mà vẫn hiệu quả. Khi nhiệm vụ đã hoàn thành, hãy dành thời gian chăm sóc bản thân mình.
7. Tiếp xúc với những người tiêu cực
Có thể bạn nghĩ rằng, việc giao tiếp với những người đồng cảnh ngộ giúp mình cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng sự thật, tiếp xúc với những người tiêu cực và lo lắng giống mình chỉ làm tâm trạng bạn ngày càng tệ hơn mà thôi.
Giải pháp:
Hãy tìm đến những người giúp bạn vui vẻ và thoải mái hơn. Một cuộc hẹn ăn uống hoặc một chuyến đi chơi xa với bạn bè chắc chắn sẽ cải thiện tâm trạng của bạn rất nhiều.
Forbes