MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ACM: Từ thảm họa đầu tư đến tội đồ phá hoại môi trường

Sau 1 năm niêm yết trên HNX, nắm giữ cổ phiếu ACM của CTCP Khoáng sản Á Cường chỉ đem lại thua lỗ nặng. Chưa kể, đó là triển vọng đen tối sau sự việc phá hoại mội trường bị báo chí đưa ra cuối tháng 6 vừa qua.

Thảm họa đầu tư

Cách đây gần 1 năm, vào sáng ngày 23/07, CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đã chính thức niêm yết 51 triệu cp trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán là ACM , chào sàn 10.500 đồng/cp.

Với vốn điều lệ 510 tỷ đồng, ACM được nhà đầu kỳ vọng là Bluechip của nhóm khoáng sản.

Trong khi ông lớn Masan Tài Nguyên (mã MSR) chỉ chọn UPCoM làm nơi trú mình, ACM chọn HNX là nơi giao dịch.

ACM lên sàn với kỳ vọng thay thế định kiến nhà đầu tư về cổ phiếu khoáng sản sau một loạt vụ việc gây mất niềm tin của nhà đầu tư tại nhóm này.

Theo công bố, ACM đã được cấp phép khai thác 5 mỏ và cấp thêm 3 dự án khai thác mỏ tại Bắc Giang trong đó có 7 mỏ đồng, bạc và 1 mỏ than.

Ngoài ra, điểm nổi trội mà doanh nghiệp này quảng bá là không xuất thô khoáng sản theo quy định của Nhà nước bởi ACM sở hữu 4 dây chuyền tuyển luyện và 1 dây chuyền điện phân, thực hiện chế biên sâu tinh quặng đồng, đạt hàm lượng 99,99%.

Ngoài ra, ACM còn có tham vọng tiến vào khai thác cả vàng với dự án mỏ vàng Tả Sỏi tại Nghệ An.

Nhờ vậy, trước khi lên sàn, cổ phiếu này cũng được săn đón bất chấp những lo ngại về lịch sử tăng vốn không rõ ràng.

Sau khi tạo đáy trong năm 2015, ACM lại tiếp tục giảm sàn những phiên gần đây.

Tuy nhiên, sau gần 1 tháng giao dịch trên HNX, cổ phiếu này bước vào thời kỳ đen tối với liên tiếp những phiên giảm sàn. Thậm chí, ACM còn phải giải trình vì đã có lúc có tới 10 giảm sàn liên tục.

Sau khi rơi về mức giá đáy 3.300 đồng/cổ phiếu của năm 2015, cho đến nay cổ phiếu này vẫn chưa một lần hồi phục về mức giá chào sàn.

Lãnh đạo thất hứa thành thói quen

Tại ĐHĐCĐ bất thường năm ngoái, lãnh đạo của ACM đã không đưa ra được lý do thuyết phục nào để giải trình về diễn biến của cổ phiếu. Thay vào đó, bà Phạm Thúy Hạnh, chủ tịch HĐQT giải thích rằng các sếp doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp.

Để đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư, đầu năm nay, HĐQT đã tự hứa hẹn sẽ trả cổ tức 7% tiền mặt.

Nhưng tự hứa để rồi thất hứa. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, ACM lại đề xuất giảm ngay cổ tức xuống 5%. Đây là mức chi trả đã khiến nhiều cổ đông tham gia đại hội không hài lòng và nghi ngờ về doanh nghiệp.

Cùng với đó là việc liên tục thất hẹn về thời gian chi trả cổ tức. Theo tuyên bố tại đại hội, cổ tức sẽ được chi vào vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Tuy nhiên cho đến cuối tháng 6 vừa qua, công ty mới chốt trả 2,5% tiền mặt.

Sau khi vụ việc phá hoại sông Cẩm Giàng bị vỡ lỡ, ACM cũng đã đổi luôn ngày thanh toán cổ tức. Và liệu cuối tháng 7 này ACM có đủ 12,75 tỷ đồng để chi trả cho cổ đông hay không thì chỉ lãnh đạo doanh nghiệp này nắm được.

Tội đồ phá hoại

Nếu như để ý, trước khi lên sàn, ACM đã có tiền sử vi phạm môi trường và nhà đầu tư thận trọng sẽ không bao giờ rót tiền vào một doanh nghiệp có lịch sử coi thường pháp luật như thế.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, xử phạt, yêu cầu ACM dừng hoạt động. Giữa năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện Công ty chưa lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa lập đề án cải tạo phục hồi môi trường và không có giấy phép xả thải vào nguồn nước, lượng xả thải vượt từ 5 đến 10 lần.

Do tiếp diễn vi phạm nên tháng 5 năm ngoái, Công ty bị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang xử phạt 210 triệu đồng, buộc ACM chấm dứt, khắc phục ngay những vi phạm, khẩn trương xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo Đề án bảo vệ môi trường xong trước 30-7-2015. Quá hạn, Công ty vẫn chưa hoàn thành và được UBND tỉnh gia hạn đến hết tháng 10 cùng năm.

Và ngày 26/6 vừa qua, Sở TN&MT phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh), UBND huyện Sơn Động, UBND xã Cẩm Đàn bắt quả tang Công ty Á Cường xả nước thải trực tiếp từ quá trình tuyển đồng không qua xử lý ra sông.

Đây có lẽ lần vi phạm nghiêm trọng nhất của doanh nghiệp bởi nó việc phát sinh ngay sau vụ việc Formosa hủy hoại môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.

Đích thân Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vào kiểm tra hoạt động của ACM.

Với sự vào cuộc của cấp trung ương, doanh nghiệp này còn đứng trước nguy cơ đình chỉ hoạt động và tước giấy phép khai thác khoảng sản.

Nếu còn có thể duy trì hoạt động thì ACM cũng sẽ mất thời gian và chi phí và để khắc phục hậu quả.


Diễn biến giá đồng trên sàn London.

Diễn biến giá đồng trên sàn London.

Với diễn biến giá hợp đồng Đồng (sàn LME) chưa hồi phục lên trên 5000 USD/tấn, rõ ràng rủi ro và khó khăn đang chồng chất lên doanh nghiệp này.

Thêm nữa, những hồ sơ đen về ngành khoáng sản lại được viết tiếp sau một loạt các vụ việc tại KSS, KSA, MTM, BGM. Có lẽ, định kiến của nhà đầu tư về những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, coi thường pháp luật sẽ càng khó thay đổi.

Theo Mai Hương

Bizlive

Trở lên trên