MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ADB: Khu vực châu Á đang phát triển sẽ chỉ tăng trưởng 0,1% trong năm 2020

Khu vực châu Á đang phát triển sẽ hầu như không tăng trưởng trong năm 2020 do các biện pháp ngăn chặn để xử lý đại dịch vi-rút corona chủng mới (COVID-19) đang cản trở hoạt động kinh tế và làm suy giảm nhu cầu bên ngoài, theo các dự báo mới từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Trong bản bổ sung định kỳ cho ấn phẩm kinh tế thường niên hàng đầu của mình, báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020 được công bố hồi tháng 4, ADB dự báo tăng trưởng của khu vực trong năm 2020 là 0,1% (Bảng 1). Con số này giảm so với mức dự báo 2,2% trong tháng 4, và sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của khu vực kể từ năm 1961. Tăng trưởng trong năm 2020 được dự kiến đạt 6,2%, như dự báo trong tháng 4. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2021 sẽ vẫn thấp hơn các mức đã được dự báo và nằm dưới các xu hướng trước khủng hoảng.

Nếu không tính các nền kinh tế công nghiệp hóa mới gồm Hong Kong; Hàn Quốc; Singapore; và Đài Loan, khu vực châu Á đang phát triển được dự báo tăng trưởng 0,4% trong năm nay và 6,6% trong năm 2021.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: "Các nền kinh tế ở Châu Á và Thái Bình Dương sẽ tiếp tục cảm nhận tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 trong năm nay, ngay cả khi các biện pháp phong tỏa dần được nới lỏng và những hoạt động kinh tế chọn lọc được bắt đầu lại trong một kịch bản "bình thường mới". Mặc dù chúng tôi nhận thấy triển vọng tăng trưởng cao hơn cho khu vực trong năm 2021, song điều này chủ yếu là do các mức tăng trưởng yếu kém trong năm nay, và đây sẽ không phải là sự phục hồi theo hình chữ V. Các chính phủ cần tiến hành những biện pháp chính sách để giảm tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và bảo đảm không xuất hiện những làn sóng bùng phát mới".

Triển vọng này vẫn có nguy cơ suy giảm. Đại dịch COVID-19 có thể chứng kiến nhiều làn sóng bùng phát trong giai đoạn sắp tới và các cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công không thể bị loại trừ. Cũng có nguy cơ về sự leo thang mới trong căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

Đông Á được dự báo tăng trưởng 1,3% trong năm 2020—đây là tiểu vùng duy nhất có sự tăng trưởng trong năm nay—trong khi mức tăng trưởng của năm 2021 sẽ phục hồi tới 6,8%. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo đạt 1,8% trong năm nay và 7,4% trong năm 2021, so với các mức dự báo tương ứng hồi tháng 4 là 2,3% và 7,3%.

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, tăng trưởng ở Nam Á được dự báo giảm 3,0% trong năm 2020, so với mức tăng 4,1% như dự báo trong tháng 4. Các triển vọng tăng trưởng cho năm 2021 được điều chỉnh giảm từ 6,0% xuống còn 4,9%. Nền kinh tế của Ấn Độ được dự báo thu hẹp 4,0% trong năm tài khóa 2020, kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2021, trước khi tăng 5,0% trong năm tài khóa 2021.

Hoạt động kinh tế ở Đông Nam Á được dự báo giảm 2,7% trong năm nay trước khi tăng lên 5,2% trong năm 2021. Mức tăng trưởng giảm được dự báo ở các nền kinh tế then chốt do những biện pháp ngăn chặn gây ảnh hưởng tới cầu nội địa và đầu tư, bao gồm In-đô-nê-xia (-1,0%), Phi-líp-pin (-3,8%), và Thái Lan (-6,5%). Việt Nam được dự báo đạt mức tăng trưởng 4,1% trong năm 2020. Mặc dù con số này thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4 của ADB, song đây vẫn là mức tăng trưởng nhanh nhất được kỳ vọng tại Đông Nam Á.

Hoạt động kinh tế của Trung Á được dự báo giảm 0,5% so với mức tăng trưởng dự báo là 2,8% hồi tháng 4, do những gián đoạn về thương mại và giá dầu thấp. Tăng trưởng được dự báo phục hồi ở mức 4,2% trong năm 2021.

Các dòng chảy thương mại bị hạn chế và hoạt động du lịch giảm sút đã tác động nặng nề tới triển vọng kinh tế của Thái Bình Dương. Nền kinh tế tiểu vùng được dự báo giảm 4,3% trong năm 2020, trước khi tăng trưởng 1,6% trong năm 2021.

Lạm phát ở Châu Á đang phát triển được dự báo ở mức 2,9% trong năm 2020, giảm so với mức dự báo 3,2% trong tháng 4, phản ánh nhu cầu bị kìm nén và giá dầu thấp. Trong năm 2021, dự báo lạm phát giảm còn 2,4%.

ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.

H.A

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên