MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ahamove của Giao Hàng Nhanh bước vào mảng Food: Né đấu trực diện với GrabFood và ShopeeFood, tham vọng chiếm 20% thị phần

10-10-2024 - 09:36 AM | Doanh nghiệp

Ahamove của Giao Hàng Nhanh bước vào mảng Food: Né đấu trực diện với GrabFood và ShopeeFood, tham vọng chiếm 20% thị phần

Ahamove từng “thất trận” với một startup Food Delivery cách đây 6 năm. Lần trở lại này, doanh nghiệp với thế mạnh giao hàng on-demand sẽ lấy gì để đấu với GrabFood và ShopeeFood trong bối cảnh hai gã khổng lồ Baemin và Gojek cũng phải tạm biệt cuộc chơi tại Việt Nam?

Ahamove xuất hiện trong nhóm 30 giải pháp đổi mới sáng tạo tiêu biểu trong chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 (VIC 2024) do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Meta đồng tổ chức.

Giải pháp được vinh danh của Ahamove liên quan đến mảng Food (giao đồ ăn) – lĩnh vực doanh nghiệp này từng thất bại với dự án Lala 6 năm trước.

“Ahamove sẽ không lặp lại thất bại trước đây” , ông Phạm Hữu Ngôn – CEO Ahamove – chia sẻ với chúng tôi.

Ahamove là một công ty của Scommerce (tên cũ là Giao Hàng Nhanh), thành lập từ năm 2015. Trước sức nóng của thị trường Food Delivery thời điểm đó, Ahamove với thế mạnh giao hàng on-demand cho ra đời Lala vào cuối năm 2017, cạnh tranh trực diện với GrabFood và Now (tên ban đầu của ShopeeFood).

Lala đóng cửa sau hơn 1 năm ra mắt, khi không thể chịu nổi nhiệt từ cuộc đua "đốt tiền".

Trở lại lần này với mảng Food, CEO Ahamove cho biết sẽ chọn hướng đi khác.

Giải pháp Ahamove đưa ra là ứng dụng AI trên các nền tảng thứ ba như Facebook Messenger. Theo giới thiệu, AI Chatbot sẽ được tích hợp vào trang Facebook của từng nhà hàng, hỗ trợ toàn bộ quá trình đặt đơn của người dùng tự động gồm gửi menu, tư vấn món, lấy thông tin địa chỉ/số điện thoại và tính tổng giá trị đơn hàng.

Sau khi người dùng xác nhận đặt đơn, Chatbot đồng thời thông báo cho nhà hàng để chuẩn bị đơn và thực hiện điều động tài xế Ahamove đi giao hàng. Ahamove dự tính quá trình tư vấn diễn ra trong 2 phút và giao hàng diễn ra trong khoảng 15 phút.

AhaFood đã triển khai tại Đà Nẵng với 500 nhà hàng, đang thử nghiệm tại Hà Nội và TPHCM để mở rộng thị trường.

“Sắp tới, merchants (bên bán hàng) có thể tạo video content, giúp họ tích hợp với các kênh như Facebook, Zalo, Telegram… Merchants chỉ cần tập trung vào khâu chế biến món. Quan trọng là khi xài AhaFood AI, Merchants có thể kiểm soát được kênh bán mà không phụ thuộc vào platform như GrabFood hay ShopeeFood”, ông Ngôn cho biết.

Với hướng đi này, AhaFood định vị là bên cung cấp giải pháp AI cho merchants chứ không đảm nhiệm vai trò nền tảng thứ ba trong mảng Food. Ông Ngôn dự tính Ahamove có thể chiếm 20% thị phần mảng giao đồ ăn trong 2 – 3 năm tới.

Theo báo cáo "Các nền tảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á 4.0" của Momentum Works, thị trường Food Delivery của Việt Nam năm 2023 đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng 27% so với năm trước đó, chủ yếu dẫn dắt bởi GrabFood và ShopeeFood. Baemin và GoFood (thương hiệu mảng Food của Gojek) chỉ chiếm 3 – 5% thị phần, hiện đã rời thị trường Việt Nam.

Ahamove của Giao Hàng Nhanh bước vào mảng Food: Né đấu trực diện với GrabFood và ShopeeFood, tham vọng chiếm 20% thị phần- Ảnh 1.

Theo Bảo Bảo

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên