Ai là người hưởng lợi nhất trong cuộc đua 'khô máu' trên thị trường thương mại điện tử tỷ đô tại Việt Nam?
Thị trường thương mại điện tử đã qua thời "trăm hoa đua nở" và sẽ được sắp xếp lại với vài ba doanh nghiệp chiếm thị phần lớn. Và người thắng là người trụ lại cuối cùng trong cuộc đua đốt tiền marketing, khuyến mãi, vận hành.
- 16-08-2018Sendo vừa nhận khoản đầu tư hơn 50 triệu USD, quyết 'khô máu' ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam
- 10-07-2018Khốc liệt "chiến trường" thương mại điện tử: Tiki, Shopee lỗ vài trăm tỷ chưa là gì so với mức lỗ nghìn tỷ đồng mỗi năm của Lazada
Sức nóng của cuộc đua tỷ đô
Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử Việt Nam, tổng giá trị thị trường TMĐT đạt gần 5 tỉ USD trong năm 2016. Một số liệu ước tính khác của hãng nghiên cứu thị trường eMarketer, quy mô giao dịch thị trường khoảng 1,7 tỉ USD, chiếm khoảng 1,1% tổng giá trị thị trường bán lẻ của Việt Nam, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình 7% của thế giới. Chiếm tỉ lệ nhỏ song thị trường thương mại điện tử có mức tăng trưởng mỗi năm hơn 20%.
Đó chính là sức hút khiến cho doanh nghiệp đủ quốc tịch đầu tư lớn vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam, để đón đầu thời điểm thị trường phát triển. Theo dự đoán từ Google và Temasek, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ bùng nổ vào năm 2025, khi doanh thu ở mức 7,5 tỉ USD.
Một số "tay chơi" lớn có thể kể đến như Lazada của Alibaba, Shopee của Garena Singapore, Tiki (VNG mua 38% cổ phần), Adayroi của Vingroup, Sendo của FPT. Ngoài những tay chơi lớn này, các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống như Thế Giới Di Động với trang vuivui.com hay Lotte của Hàn Quốc, Aeon của Nhật Bản cũng tập trung xây dựng trang bán lẻ trực tuyến.
Thị trường còn nhiều tiềm năng nên các tay chơi lẫn nhà đầu tư đều thừa nhận đây là cuộc chơi đốt tiền, khả năng giành và giữ thị phần thuộc về những người đủ tiềm lực để trụ vững tới lúc đạt điểm bùng nổ. Tất cả các doanh nghiệp chủ chốt trên thị trường đều tập trung xây dựng lợi thế riêng cho mình.
Cách làm của Lazada là phát triển người dùng và tăng trưởng thật nhanh, tương ứng với việc chấp nhận lỗ ngay ở giai đoạn báng hàng. Về phía Tiki lại chọn cách xây dựng vận hành tốt hơn trong việc giao hàng, đa dạng hóa sản phẩm, chăm sóc khách hàng và công nghệ kho vận.
Còn Shopee lại chọn cách giảm chi phí giao hàng, tiền người mua chỉ chuyển sang người bán khi người mua cảm thấy hài lòng. Ngược lại, khách hàng không hài lòng thì triền sẽ được nhanh chóng hoàn trả.
Tuy nhiên một phần chiến dịch đốt tiền không thể thiếu với tất cả các tay chơi là chi phí cho Marketing. Tổng giám đốc Alex Dardy từng chia sẻ với tạp chí Forbes, chi phí lớn nhất hiện nay của Lazada là marketing và kho vận. Điều này cũng tương tự với các công ty khác khi thường xuyên tung ra những chương trình khuyến mãi để thu hút người dùng.
Người tiêu dùng được lợi
Một điều không thể phủ nhận trong cuộc chạy đua khuyến mãi giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử, người được hưởng lợi nhất chính là khách hàng. Ví dụ khi có nhu cầu một sản phẩm cây lau nhà, chị Quỳnh Liên (Thanh Xuân, Hà Nội) thay vì ra chợ hay siêu thị , chị chọn cách "lướt" đủ các sản thương mại điện tử để so sánh giá. Theo kinh nghiệm của chị, hiện nay đơn vị nào cũng giảm giá, khuyến mãi hàng ngày tuy nhiên Shopee hoặc Lazada vẫn thường được chị lựa chọn do giá rẻ nhất.
Sở dĩ 2 trang này có được mức giá tốt do đứng sau là những đại gia nước ngoài có tiềm lực về tài chính như Alibaba hay Ganera. Nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi tại thị trường Việt Nam, Shopee được công ty mẹ là Tập đoàn SEA của Singapore bơm vốn rất mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SEA đã tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng (~50 triệu USD) vốn điều lệ cho Shopee Việt Nam.
Không chỉ thương mại điện tử, SEA - tên cũ là Garena - đang đầu tư mạnh vào rất nhiều lĩnh vực tiềm năng khác tại thị trường Việt Nam như thanh toán điện tử (AirPay, VNPAY), game online (Vietnam Esports), giao đồ ăn (Foody/Delivery Now)...
Các doanh nghiệp trong nước cũng không kém cạnh trong cuộc chạy đua ngay chính Tiki lỗ lũy kế gần 600 tỷ đồng sau 7 năm hoạt động. Ví dụ khi Shopee mạnh tay chạy chương trình khuyến mãi hàng ngày vào mỗi khung giờ với đủ loại mặt hàng cùng với giá sốc, Lazada thực hiện "deal chớp nhoáng" thì Tiki cũng tung chương trình "Giựt cô hồn", cho khách hàng giựt (mua) sản phẩm giá sốc vào giờ cố định, tương tự với Sendo.
Đến nay việc chạy đua còn khốc liệt đến mức chưa hết năm nhưng các sàn thương mại điện tử đã tung ra khuyến mãi cuối năm. Điển hình như ngày siêu mua sắm khủng nhất năm 9/9 được Shopee tổ chức hàng năm. Một lợi thế khác là với việc có khoảng 900 thương hiệu và 1 triệu người bán nên sàn này tự tin công bố có thể đem lại tới rất nhiều ưu đãi cho người dùng.
Năm 2017, sự kiện này giúp Shopee tăng 3,5 lần về đơn đặt hàng và tăng gấp 5 lần số lượt truy cập trong khu vực.
Trí thức trẻ