MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai là ông chủ của đại gia sản xuất thiết bị điện ACIT?

01-08-2024 - 14:37 PM | Doanh nghiệp

Kể từ khi ông Phạm Đình Thắng chính thức nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, ACIT bước vào giai đoạn tăng vốn thần tốc. Đáng kể nhất là thương vụ thâu tóm Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam.

Đại gia sản xuất, thi công và xây lắp thiết bị điện

Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT) là đơn vị sản xuất tủ điện, trạm điện và cung cấp giải pháp thiết bị trọn bộ cho các trạm biến áp truyền tải, phân phối điện cũng như các hệ thống điện cho khu công nghiệp, tòa nhà cao tầng và các công trình trọng điểm quốc gia.

Hiện nay, ACIT sở hữu 4 nhà máy sản xuất, gồm: Nhà máy Quất Động số 1 (Lô CN3A, Cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội); Nhà máy Quất Động số 2 (Lô CN1B, Cụm công nghiệp Quất Động); Nhà máy Hoà Lạc số 1 (Lô CN1-11B-3, Khu CNC1, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thạch Thất, TP. Hà Nội) và Nhà máy Hòa Lạc số 2 (Lô CN1-11B-2, Khu CNC1, Khu công nghệ cao Hòa Lạc).

Ai là ông chủ của đại gia sản xuất thiết bị điện ACIT?- Ảnh 1.

Nhà máy Quất Động số 1 của ACIT

ACIT là đơn vị cung cấp toàn bộ thiết bị công nghệ cho nhà máy điện mặt trời 450 MW và trạm biến áp 500kV thuộc dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW của Trungnam Group.

Là một đại gia trong ngành sản xuất, phân phối và thi công xây lắp công trình điện, mỗi năm ACIT "bỏ túi" hàng chục gói thầu với giá trị khủng. Cụ thể, công ty đem về 15 gói thầu trong năm 2016 và 17 gói thầu trong năm 2017, 64 gói thầu năm 2021 và 70 gói thầu năm 2022 với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu trúng Gói thầu số 18: Cung cấp và vận chuyển VTTB nhất thứ cho NLMR tại TBA 500 kV Ô Môn tại Ban quản lý dự án các công trình Điện Miền Nam – Chi nhánh Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia với giá 59,4 tỷ đồng (giá dự toán 59,9 tỷ đồng)

Hay công ty mang về Gói thầu số 04-2023: Tủ RMU lắp trong thân trụ thép với giá hơn 100 tỷ đồng (giá gói thầu 102 tỷ đồng) tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM.

Bên cạnh lĩnh vực điện, ACIT dưới thời Chủ tịch Phạm Đình Thắng còn gia nhập ngành tổng thầu xây dựng khi góp 23% vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Hiteccons vào năm 2017.

Các cổ đông khác gồm: Công ty TNHH Covestcons - công ty con của Xây dựng Coteccons góp 31%, Công ty TNHH Đầu tư Refico Hà Nội góp 31% và Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Hoàng Thành Land góp 15%.

Có thể thấy, đối tác của ACIT là Cottecons là một trong những nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam. Còn Công ty TNHH Đầu tư Refico Hà Nội chính là công ty con thuộc Refico Group của doanh nhân Trần Quyết Thắng. Ông Trần Quyết Thắng cùng từng là thành viên HĐQT Coteccons giai đoạn 2012-2022.

Tham vọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Ngoài cung cấp các thiết bị điện, ACIT cũng là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Bầu Zôn. Dự án này có quy mô 29 ha tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, với công suất nhà máy hơn 25 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Nhà máy chính thức vận hành thương mại (COD) vào ngày 5/8/2020.

Tháng 4/2021, ACIT gây chú ý khi công bố hoàn tất thương vụ mua 49% cổ phần Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam (TN Solar Power) - chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc tại tỉnh Ninh Thuận.

Nhà máy có công suất 204MW, sản lượng điện tối đa 450 triệu kWh/ năm, tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Dự án được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký hợp đồng mua với giá cam kết 9,35 cent/kWh trong vòng 20 năm.

ACIT cho biết, từ ngày 1/1/2021, công ty đã có đầy đủ quyền và nghĩa vụ liên quan đến số cổ phần trên tại dự án. Ngày 9/4/2021, doanh nghiệp đã thế chấp toàn bộ 49 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn điều lệ TN Solar Power tại Ngân hàng MB chi nhánh Sài Gòn.

Mới đây nhất, đầu tháng 7/2024, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam đã công bố Nghị quyết người sở hữu của 12 mã trái phiếu, có tổng giá trị đang lưu hành gần 1.900 tỷ đồng.

Theo đó, Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Trung Nam (bên đảm bảo cho gói trái phiếu) sẽ được chuyển nhượng 19,9 triệu cổ phần của Điện mặt trời Trung Nam. Số cổ phần trên là tài sản đảm bảo cho số lô trái phiếu trên.

Bên nhận chuyển nhượng bao gồm Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng tái tạo Á Châu (18 triệu cổ phần) và ông Nguyễn Thanh Bình (1,9 triệu cổ phần).

Thực tế, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng tái Tạo Á Châu - công ty con của Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT).

Với việc công ty con nhận chuyển nhượng thêm 18 triệu cổ phần (tương đương 18% vốn), ACIT đã có thể thâu tóm Điện Mặt trời Trung Nam thành công ty con. Còn nhóm Trung Nam sẽ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp này.

Ai là ông chủ của ACIT?

ACIT được thành lập vào tháng 11/2006 tại Hà Nội. Đến tháng 7/2015, công ty được cấp lại mã số thuế. Đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm này cho thấy ACIT chỉ có vốn điều lệ 17,5 tỷ đồng, do Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Phương nắm 60%. Các cổ đông còn lại không được tiết lộ.

Khi đó, ông Nguyễn Ngọc Phương là một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực điện. Ngoài ACIT, ông Phương còn sở hữu Công ty Công nghệ Smosa Việt Nam - một doanh nghiệp được thành lập 2015, chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng cơ khí chính xác, thiết bị điện, tủ điện…

Được biết, ông Nguyễn Ngọc Phương có nhiều năm công tác tại Quân khu Thủ đô, các đơn vị Công ty Thăng Long hay Công ty Hà Thành, trước khi tham gia ACIT từ năm 2010.

Khoảng 5 năm sau, tức tháng 4/2020, ông Phạm Đình Thắng bất ngờ trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật duy nhất của ACIT.

Ai là ông chủ của đại gia sản xuất thiết bị điện ACIT?- Ảnh 2.

Ông Phạm Đình Thắng

Lúc này, ACIT chuyển trụ sở từ nhà riêng ông Nguyễn Ngọc Phương về toà nhà Mandarin Garden 2, số 99 Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội.

Cần biết rằng, trước khi chính thức làm Chủ tịch HĐQT, ông Thắng cũng đã hiện diện với vai trò lãnh đạo tại công ty này ít nhất từ năm 2009.

Bốn tháng sau khi ông Thắng làm Chủ tịch, ACIT tăng vốn điều lệ từ 225,89 tỷ đồng lên 525,89 tỷ đồng. Tới tháng 1/2021, công ty tăng vốn khủng lên 2.025,8 tỷ đồng và tăng tiếp lên 2.800 tỷ đồng vào tháng 12/2023.

Ngoài vai trò tại ACIT, vị doanh nhân sinh năm 1981 còn là cổ đông sáng lập, góp 15% vốn vào Công ty Cổ phần Điện lực Khu vực 1 cùng với một số đại gia trong lĩnh vực điện như ông Hồ Ngàn Chi (28%), ông Đàm Thế Phương (12%)...

Theo dữ liệu của PV, tháng 9/2022, ông Phạm Đình Thắng đem 100.000 trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản có tổng giá trị gốc 10 tỷ đồng thế chấp tại Vietcombank chi nhánh Hoàng Mai.

Tháng 1/2023, ông Phạm Đình Thắng mua vào 9,5 triệu cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả. Qua đó, cá nhân này tăng sở hữu từ 7,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,54%) lên mức 17,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,62%), chính thức trở thành cổ đông lớn của HHV. Ngày thực hiện giao dịch là 18/1/2023.

Tuy nhiên, cuối tháng 5/2023, ông Thắng báo cáo về việc không còn là cổ đông lớn của HHV do chuyển nhượng cổ phần cho vợ là bà Trần Thị Ngoan. Cụ thể, ngày 26/5/2023, ông Thắng chuyển nhượng hơn 3,7 triệu cổ phiếu cho bà Ngoan. Đến ngày 31/5/2023, ông chuyển nhượng tiếp hơn 3,5 triệu cổ phiếu cho vợ. Sau hai giao dịch, ông Thắng chỉ còn nắm giữ hơn 12,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,14% tại HHV, còn bà Ngoan tăng tỷ lệ nắm giữ lên 2,36%.

Theo Hà Ly

An ninh tiền tệ

Trở lên trên