MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gặp khó khăn về dòng tiền, Trung Nam đã bán đứt quyền kiểm soát 1 trong những dự án điện mặt trời lớn nhất và sinh lời tốt nhất cho 1 đối tác quen thuộc?

14-07-2024 - 10:48 AM | Doanh nghiệp

ACIT đã sở hữu 49% cổ phần của Nhà máy Điện Mặt trời Trung Nam (Trung Nam Thuận Bắc) từ năm 2021.

Đầu tháng 7/2024, CTCP Điện mặt trời Trung Nam đã công bố Nghị quyết người sở hữu trái phiếu của các mã: TBSCH1926002, TBSCH1928012, TBSCH1926005, TBSCH1928006, TBSCH1928007, TBSCH1928008, TBSCH1928009, TBSCH1928010, TBSCH1926003, TBSCH1926004, TBSCH1928011, TSP119001.

Số trái phiếu trên có tổng giá trị đang lưu hành gần 1.900 tỷ trên tổng giá trị đã phát hành là 2.100 tỷ đồng.

Theo đó, CTCP Năng Lượng Tái Tạo Trung Nam (bên đảm bảo cho gói trái phiếu) sẽ được chuyển nhượng 19,9 triệu cổ phần của CTCP Điện mặt trời Trung Nam. Số cổ phần trên là tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu kể trên. Bên nhận chuyển nhượng bao gồm công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng Lượng Tái Tạo Á Châu (18 triệu cổ phần) và ông Nguyễn Thanh Bình (1,9 triệu cổ phần). 

Ngoài ra, ông Vũ Nhật Thành và bà Đào Thị Minh Huệ cũng sẽ chuyển nhượng lần lượt 10.000 cổ phần và 90.000 cổ phần của CTCP Điện mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa. 

Ở một diễn biến khác, trong tháng 6/2024, Điện Mặt Trời Trung Nam đã công bố thay đổi người đại diện theo pháp luật. Cụ thể, ông Nguyễn Đăng Khoa và ông Nguyễn Tâm Thịnh (Chủ tịch Trung Nam Group) đã không còn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này. Thay vào đó, ông Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1981) sẽ lên làm Chủ tịch HĐQT công ty. 

Gặp khó khăn về dòng tiền, Trung Nam đã bán đứt quyền kiểm soát 1 trong những dự án điện mặt trời lớn nhất và sinh lời tốt nhất cho 1 đối tác quen thuộc?- Ảnh 1.

Dự án điện mặt trời Trung Nam.

Về các bên sẽ tham gia nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Điện Mặt Trời Trung Nam, một trong những pháp nhân sẽ tham gia vào thương vụ là công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng Lượng Tái Tạo Á Châu. Được biết, doanh nghiệp này là công ty con của CTCP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu (ACIT). 

Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Khoa - người cũng sẽ nhận chuyển nhượng 100.000 cổ phần Điện Mặt Trời Trung Nam cũng là là người có liên quan đến ACIT. Cụ thể, vị doanh nhân này hiện là Phó Tổng giám đốc của ACIT. 

Theo giới thiệu, ACIT đã sở hữu 49% cổ phần của Nhà máy Điện Mặt trời Trung Nam từ năm 2021. Trong khi đó, Điện Mặt Trời Trung Nam có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Như vậy, với việc công ty con nhận chuyển nhượng thêm 18 triệu cổ phần (tương đương 18% vốn) của Điện Mặt Trời Trung Nam, ACIT có thể ghi nhận công ty này là công ty con, còn nhóm Trung Nam có thể sẽ mất quyền kiểm soát Điện Mặt Trời Trung Nam. 

Gặp khó khăn về dòng tiền, Trung Nam đã bán đứt quyền kiểm soát 1 trong những dự án điện mặt trời lớn nhất và sinh lời tốt nhất cho 1 đối tác quen thuộc?- Ảnh 2.

CTCP Điện mặt trời Trung Nam là một thành viên thuộc Trung Nam Group. Công ty này cũng là chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam có quy mô diện tích dự án là 264 ha tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Dự án có công suất 204 MW và sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/ năm, sử dụng hơn 700.000 tấm pin, được khởi công vào tháng 7/2018. Tổng vốn đầu tư dự án gần 5.000 tỷ đồng.

Hàng năm, Điện mặt trời Trung Nam vẫn mang về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận và sở hữu cả nghìn tỷ tài sản. Như vậy, nếu thoái vốn khỏi công ty này Trung Nam Group có thể sẽ mất đi một nguồn thu lớn khi vẫn đang gặp nhiều khó khăn. 

Gặp khó khăn về dòng tiền, Trung Nam đã bán đứt quyền kiểm soát 1 trong những dự án điện mặt trời lớn nhất và sinh lời tốt nhất cho 1 đối tác quen thuộc?- Ảnh 3.

Về ACIT, công ty này được thành lập ngày 21/11/2006 tại Hà Nội. Từ một công ty nhỏ ban đầu, ACIT hiện đã có vốn điều lệ 2.800 tỷ đồng và chuyên sản xuất tủ điện trung thế, hạ thế, trạm kios, thi công các công trình điện…

ACIT mới tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời, tháng 8/2020, công ty đưa nhà máy Bâu Zôn chính thức vận hành. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, công suất hơn 25 MWp. Ngoài ra, công ty có 3 nhà máy sản xuất thiết bị điện gồm Quất Động số 1 – 2 đặt tại Thường Tín, Hà Nội và nhà máy Hòa Lạc, Thạc Thất, Hà Nội.

Bản thân ACIT đã thi công cho nhiều dự án năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án của Trung Nam gồm Trung Nam Thuận Nam (450 MW), điện gió Trung Nam Ninh Thuận (148 MW), điện mặt trời Dầu Tiếng (500 MWp), điện mặt trời Hòa Hội (257 MWp)…

Trọng Hiếu

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên