Ai rồi cũng khác: Từ việc CẤM thực khách mang đồ ăn thừa về nhà, gây lãng phí gần 5 triệu tấn thức ăn/năm, Nhật Bản đang xem xét lại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Với nguyên tắc không cho khách hàng mang thức ăn thừa về nhà sau bữa ăn, các nhà hàng, cơ sở ăn uống...đang gây lãng phí hàng triệu tấn đồ ăn mỗi năm.
- 02-08-2024Quán bar Nhật Bản hút khách nườm nượp nhờ dịch vụ độc lạ: khách hàng trả tiền để được những cô gái cơ bắp... bế
- 27-07-2024Vụ chìm tàu từng gây rúng động Nhật Bản: Giữa đại dương bao la, tại sao 52 học sinh tiểu học thoát nạn mà không ai bị thương?
- 26-07-2024Người đàn ông Nhật Bản sống cực kỳ tiết kiệm trong 21 năm để có thể nghỉ hưu sớm
Casey Baseel - phóng viên của Japan Today kể lại câu chuyện từng ăn trưa tại một quán cà phê nhỏ ở Tokyo với người bạn nước ngoài. Dù cả hai đã no nhưng trên bàn vẫn thừa một phần thịt nướng lớn nên Casey yêu cầu nhân viên cho túi đựng để mang đồ thừa về. Tuy nhiên, nhà hàng thông báo không hỗ trợ vì lo ngại thức ăn bị hỏng trên đường về nhà, khiến thực khách ngộ độc.
Đây không phải chuyện hiếm ở các nhà hàng Nhật Bản. Mặc dù đất nước này có nền văn hóa ẩm thực phong phú, luôn chú trọng đến lòng hiếu khách nhưng hầu hết họ đều từ chối để khách mang đồ ăn thừa đi.
Năm 2022, Nhật Bản từng gây sốc khi thải ra khoảng 4,7 triệu tấn đồ ăn thừa, trong đó 50% đến từ các nhà hàng và cửa hàng thực phẩm.
"Cuối cùng, bạn tôi đã lén lút nhét miếng thịt thừa vào một túi nhựa mà anh ta tình cờ mang theo, sau đó bỏ vào balo và mang ra khỏi nhà hàng. Tuy nhiên, sự gian dối như vậy có thể sớm trở nên không cần thiết, nhờ vào sáng kiến mới của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản", Casey Baseel viết.
Theo đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã tổ chức cuộc họp với các thành viên của bộ họp với các nhà nghiên cứu đại học và các nhóm bảo vệ người tiêu dùng. Mục tiêu của họ là đưa ra một bộ hướng dẫn sau đó có thể trình bày cho các nhà hàng, izakaya (quán rượu kiểu Nhật), khách sạn và các cơ sở ăn uống khác bao gồm các chủ đề về loại thực phẩm nào an toàn và không an toàn để khách hàng có thể mang thức ăn thừa về nhà; ai nên đóng gói thức ăn thừa và theo cách nào.
Bộ kỳ vọng có thể đưa ra bộ hướng dẫn trong năm nay. Trước đó, Nhật Bản cũng ghi nhận trường hợp người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn đồ trong túi đựng thực phẩm thừa.
Một điểm quan trọng khác trong các cuộc thảo luận đó là trách nhiệm cuối cùng giữa nhà hàng và thực khách. Cụ thể, việc xác định thức ăn thừa có an toàn để ăn hay không thuộc về khách hàng chứ không phải nhà hàng.
Tomio Kobayashi, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Phụ nữ Nhật Bản - hiện đứng đầu tổ chức Doggy Bag Committee, hoạt động ủng hộ túi đựng đồ ăn thừa - nói lượng lương thực thất thoát ở Nhật Bản quá lớn. Túi đựng thực phẩm thừa có thể giải quyết vấn đề về môi trường, giảm thiểu chất thải do lãng phí tài nguyên hay các vấn đề sức khỏe do cố ăn nhiều. Kobayashi tin thực khách cũng không thoải mái khi phải vứt những món ăn ngon đầu bếp đã dày công chuẩn bị.
Thực tế, Nhật Bản vẫn có nhiều nhà hàng cung cấp dịch vụ đặt đồ mang đi, chưa kể nhiều tiệm chỉ bán đồ mang đi, từ gà nướng, khoai nướng, bánh kẹo cho đến bento. Casey không nghĩ chỉ 30 phút sau khi rời nhà hàng, món ăn đã trở nên quá nguy hiểm với con người.
"Chẳng lẽ người dân Nhật Bản sẽ ngất xỉu tại nhà sau khi ăn gà rán mua ở cửa hàng tiện lợi", Casey nói.
Theo cây viết này, các nhà hàng có thể dễ dàng cung cấp túi đựng đồ ăn thừa vì đồ ăn nhanh vốn phát triển ở Nhật từ lâu. Tuy nhiên, Casey nghĩ họ không muốn vì vấn đề hình ảnh và quản lý các hoạt động. Nếu cung cấp túi đựng đồ thừa, nhà hàng sẽ trông như quán bán đồ ăn nhanh rẻ tiền. Ngoài ra, nhân viên sẽ mất thời gian đóng gói "thứ gì đó không còn đem lại doanh thu".
Theo Japan Today
Đời sống và Pháp luật