Ai sở hữu lâu đài “khủng” trên đỉnh Tam Đảo?
Gần đây, cộng đồng cư dân mạng lan truyền về tòa lâu đài “khủng” có giá trị 400 tỷ đồng đang được xây dựng và hoàn thiện trên đỉnh núi Tam Đảo gây xôn xao dư luận.
Theo giới thiệu trên website của chủ đầu tư, dự án có tên là "lâu đài tam đảo" có giá trị đầu tư vào khoảng 400 tỷ đồng. Công trình này thuộc quần thể dự án khu du lịch Tam Đảo do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư.
Bên cạnh tòa lâu đài này, Lạc Hồng còn phát triển trong dự án Khu du lịch Tam Đảo: Khách sạn Lâu đài Tam Đảo với giá trị đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, khu tổ hợp dịch vụ cao cấp 200 phòng khách sạn hạng 4 sao có giá trị đầu tư 400 tỷ đồng, khu ẩm thực có giá trị đầu tư 70 tỷ đồng, nhà dịch vụ có giá trị đầu tư 33 tỷ đồng,…
Dự án Khách sạn Lâu đài Tam Đảo được xây dựng ở đồi toàn quyền, trên nền cũ của Dinh Toàn quyền Pháp, có thể nhìn thấy từ cung đường phía dưới đi lên thị trấn Tam Đảo. Dự án đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng được thành lập vào tháng 9 năm 2003, có trụ sở tại số 85 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Hà Nội do ông Lê Xuân Trường làm Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật công ty.
Công ty có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng và bất động sản. Ban đầu thành lập công ty có 3 cổ đông sáng lập là ông Lê Xuân Trường, ông Hoàng Nam và ông Trịnh Quang Thanh. Đến cuối năm 2014, tại lần thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 17, cả hai cổ đông sáng lập là Trịnh Quang Thanh và Hoàng Nam đều không còn nắm giữ cổ phần tại Lạc Hồng, ông Lê Xuân Trường vẫn là Tổng Giám đốc và sở hữu 41,56% vốn điều lệ công ty.
Đầu năm 2015, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) công bố việc thoái 10% vốn tại Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng. Tại bản công bố thông tin của Hancorp, cho biết Công ty Lạc Hồng có vốn điều lệ 81 tỷ đồng, có 71 cổ đông đang nắm giữ trong đó có 1 cổ đông tổ chức (Hancorp), ông Lê Xuân Trường là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Sau đó, Hancorp đã thông báo về kết quả thoái vốn thành công tại Lạc Hồng, và toàn bộ 10% cổ phần đã được bán cho 2 nhà đầu tư cá nhân.
Từ đó, cổ đông của Lạc Hồng đã có sự thay đổi. Mới đây, một số cơ quan báo chí thông tin ông Lê Xuân Trường hiện nắm giữ 52,14% vốn điều lệ, còn ông Nguyễn Văn Nghĩa (nắm 10% vốn) và Nguyễn Duy Đôn (nắm 1,11%) là đồng Ủy viên HĐQT, các cổ đông khác nắm 36,75%.
Công ty Lạc Hồng được biết đến là nhà thầu xây dựng có tiếng với những công trình trụ sở Bộ Công an, Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao, Phòng họp lớn nhà Quốc hội, Trung tâm Thông tấn xã Việt Nam,…sau đó mở rộng sang lĩnh vực đầu tư BĐS, với một số tòa chung cư ở Ngoại Giao Đoàn (Hà Nội).
Sau đó, nắm bắt được xu thế phát triển kinh tế của đất nước, nhu cầu hưởng thụ ngày càng nâng cao của người dân, Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng đã xác định mục tiêu đầu tư các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Lạc Hồng hiện đang nắm giữ cổ phần chỉ phối ở nhiều công ty con đang triển khai các dự án này. Đơn cử như nắm 85% CTCP Phát triển du lịch Tây Thiên, hiện đã và đang đầu tư vào dự án cáp treo Tây Thiên (Tam Đảo) 300 tỷ đồng, dự án Belvedere Resort Tam Đảm có quy mô gần 30ha với 163 căn biệt thự; Hàng loạt dự án bất động sản khác ở Vĩnh Phúc, Lạc Hồng làm chủ đầu tư như Khu đô thị chùa Hà Tiên 6ha, tổng mức đầu tư 280 tỷ; Dự án khu nhà ở Khai Quang 7,3ha với tổng mức đầu tư 585 tỷ; Ngoài ra Lạc Hồng còn sở hữu một khu đô thị 15ha tại Hưng Yên…