MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ám ảnh tuổi thơ khốn khó ảnh hưởng tới cách chúng ta chắt bóp khi trưởng thành: Không bao giờ để rỗng ví và không cho phép mình thất nghiệp

03-03-2024 - 07:03 AM | Sống

Tuổi thơ có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta quản lý tài chính như thế nào khi lớn lên? Hai bạn trẻ dưới đây có thể cho bạn câu trả lời.

Không dám tiêu xài hoang phí, tự chủ tài chính từ khi còn là sinh viên

Nguyễn Hương (24 tuổi, Hà Nội) cho hay, bố mẹ và trải nghiệm tuổi thơ ảnh hưởng rất lớn đến cách cô nàng quản lý tài chính mãi về sau này. Khi còn nhỏ, Nguyễn Hương sinh ra trong gia đình không dư dả về tài chính, từ đó cô luôn hình thành suy nghĩ cần tiết kiệm tiền và nỗ lực gia tăng chi tiêu để đảm bảo tương lai về sau này.

Cô nhớ lại: “Từ hồi cấp 1, mình đã có thói quen nhịn đói buổi sáng suốt thời gian dài. Vì hồi đó, gia đình mình không khá giả nên sau đó, mình cảm thấy thói quen này là bình thường. Tới cấp 2, mình có tiền ăn sáng nhưng buổi ăn buổi không. Một phần vì mình đã quen nhịn ăn, phần còn lại mình muốn dành tiền để mua những món đồ lặt vặt mà bản thân yêu thích.

Tới lúc học Đại học, mình bắt đầu cuộc sống mới. Lúc này hoàn cảnh gia đình mình đã tốt lên hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mình chỉ để bố mẹ trả tiền học phí cho năm đầu tiên là sinh viên, sau đó, mình tự trả hết mọi chi phí khi sống ở thành thành phố lớn như tiền học, tiền mua đồ ăn, tiền đi chơi… Sau bao nhiêu năm, mình vẫn có một tính khá kỳ. Đó là rất ngại xin tiền bố mẹ. Chẳng hạn nếu gần hết tháng mà cạn tiền, suy nghĩ đầu tiên của mình là “bản thân có thể sinh tồn bao lâu với số tiền này?", thay vì nghĩ cách mở lời đòi hỏi từ bố mẹ, trừ trường hợp cấp bách".

Ám ảnh tuổi thơ khốn khó ảnh hưởng tới cách chúng ta chắt bóp khi trưởng thành: Không bao giờ để rỗng ví và không cho phép mình thất nghiệp- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Từng chứng kiến gia đình trải qua khó khăn về tài chính, cũng vì thế khi lớn lên, Nguyễn Hương bắt đầu đi làm từ sớm, cũng như thử áp dụng nhiều quy tắc tiết kiệm. Bởi cô ý thức được sự cần thiết và lợi ích từ việc chuẩn bị sẵn cho bản thân một khoản tiết kiệm như thế nào sau nhiều lần chứng kiến bố mẹ rỗng ví, thậm chí gặp khó khăn trong mỗi lần con xin tiền đóng học.

Nguyễn Hương kể lại: “Thời sinh viên, mình chưa ý thức quản lý tài chính cá nhân vì thời đó thu nhập không cao, kiếm được bao nhiêu mình tiêu hết bấy nhiêu. Sau khi ra trường, từ tháng lương đầu tiên mình đã tách ra phần nào là tiết kiệm, phần nào dùng để trả cho chi tiêu cá nhân. Sau đó, hầu như tháng nào mình cũng đúng số tiền đó, không để lan ra ngoài.

Đến hiện tại, nhờ tiền lương tăng lên nên mình có thể trích 45% thu nhập vào tài khoản tiết kiệm. Mọi khoản thu chi đều được mình ghi chép đầy đủ. Ban đầu mình còn ghi thủ công qua excel, vài tuần mới tổng kết lại thì dẫn đến nhớ nhớ quên quên. Sau đó, mình dùng app thu chi thì thấy mọi thứ tiện lợi hơn nhiều".

Làm việc không ngừng tay, sợ rơi vào tình cảnh thất nghiệp

Đó là câu chuyện của Trần Hà (28 tuổi, Hà Nội) khi nói về tình hình tài chính của mình. Tương tự Nguyễn Hương, do hoàn cảnh tài chính của gia đình không quá dư dả nên Trần Hà rất quý trọng giá trị của đồng tiền. Từ khi còn nhỏ, cô đã được mẹ dạy phải trân trọng từng đồng tiền nhỏ kiếm được và biết cách sử dụng chúng hợp lý. Và những bài học về tài chính này cũng theo cô đến tận mãi sau này.

Cô nàng tâm sự: “Tuổi thơ của mình không quá khó khăn, nhưng bố mẹ vất vả nên mình cũng tự ý thức phải làm việc nhiều hơn so với các bạn. Cấp 1 và cấp 2 mình đã phải đi bán bánh cùng mẹ với giá 10 nghìn đồng/bánh. Một ngày, lịch trình của mình thế này: Sáng đi học - Trưa về dọn hàng cho mẹ rồi nấu cơm - Chiều đi bán bánh - Tối về học bài. Lên cấp 3 thì mẹ mình chuyển sang bán đồ ăn sáng. Mình lại tiếp tục phụ mẹ bưng bê, dọn dẹp quán bên cạnh thời gian dành cho việc học. Thời điểm đó, mình làm nhiều việc thành quen. Do phải đi làm nhiều từ sớm nên mình rất quý đồng tiền làm ra".

Ám ảnh tuổi thơ khốn khó ảnh hưởng tới cách chúng ta chắt bóp khi trưởng thành: Không bao giờ để rỗng ví và không cho phép mình thất nghiệp- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Đến hiện tại, Trần Hà đang làm nhân viên văn phòng và có công việc kinh doanh trực tuyến vào buổi tối. Áp lực công việc lớn, có thời điểm cô phải làm hơn 14 tiếng/ngày, tuy nhiên Trần Hà cho rằng chúng mang lại thu nhập xứng đáng với công sức bỏ ra.

“Từ bé gia đình mình vất vả nhiều về tiền bạc nên đã ám ảnh mình khá nhiều, tác động đến tư duy bên trong. Ngay khi lớn lên, mình đã luôn ghim chặt cần làm việc chăm chỉ, sợ thất nghiệp. Vì mình sợ rơi vào tình cảnh kinh tế khó khăn, trong khi  mình khó có thể nhờ cậy cha mẹ.

Giờ đã đi làm văn phòng, mình tận dụng tối đa thời gian bất kể ngày đêm để rèn luyện và đi nhanh nhất có thể. Vì mình biết bản thân không còn nhiều thời gian. Bố mẹ cũng đã bắt đầu cao tuổi và có nhiều bệnh. Nếu mình cứ ung dung ngày làm 8 tiếng, tối về xem phim, nhậu nhẹt và tụ tập thì không khác nào đi vào ngõ cụt", cô nàng bày tỏ.

Trần Hà cho biết thêm, hiện cô đang phân bổ thu nhập hàng tháng theo công thức 50 - 30 - 20. Tức cô dành 30% cho chi tiêu thiết yếu, 20% cho chi tiêu cá nhân và 50% dành cho bảo hiểm, tiết kiệm và đầu tư. Hàng ngày, cô cũng duy trì thói quen tiết kiệm với mục tiêu đến năm 40 tuổi tích lũy đủ kiến thức và tài sản để tạo nên một dòng tiền cố định, rồi mở quán ăn cho riêng mình và không phụ thuộc vào công việc văn phòng.

Cô nàng chia sẻ: “Những năm gần đây, 1 năm chắc mình không dám mua son phấn gì nhiều, chủ yếu là nước tẩy trang và serum. Còn đâu quần áo mình cũng hạn chế và chỉ khi nào có sale thì mới mua.

Giờ mình chẳng còn hứng thú đi chụp tại mấy quán cafe nữa, vì thấy quán nào cũng như nhau mà đồ uống còn đắt, không ngon bằng tự pha tại nhà. Ở nhà mình chẳng cần mặc đẹp, có 3 cái áo phông mặc quanh năm. Nói chung, mỗi tháng mình đều cố gắng để dành được ít nhiều, vừa phòng lúc ốm đau mà còn để về già có một khoản tích lũy đủ lớn".

Ám ảnh tuổi thơ khốn khó ảnh hưởng tới cách chúng ta chắt bóp khi trưởng thành: Không bao giờ để rỗng ví và không cho phép mình thất nghiệp- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Tạm kết

Có thể thấy, hai bạn trẻ trên đây là ví dụ cho thấy những trải nghiệm tuổi thơ ảnh hưởng rất nhiều đến cách chúng ta kiếm tiền và quản lý tài chính trong tương lai.

Ở diễn biến khác, dù có những trải nghiệm khó khăn về tài chính trong quá khứ, thế nhưng họ cho rằng nhờ đó đã tạo dựng được những thói quen lành mạnh về chi tiêu và tiết kiệm tiền. Chẳng hạn với Trần Hà, do cô nàng đã đi làm từ sớm, nhờ đó có sự nghiệp ổn định và khoản thu nhập tốt. Trong khi đó, Nguyễn Hương cho biết việc luôn ý thức được giá trị của đồng tiền sẽ là tiền đề để cô nỗ lực làm việc hiệu quả và đạt được nhiều mục tiêu trong tương lai.

PV

Phụ nữ mới

Trở lên trên