MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Âm thầm rước "án tử" vào đường tiêu hóa vì thói quen gần như ai cũng mắc phải

27-07-2018 - 12:59 PM | Sống

Căn bệnh ung thư dạ dày mà bệnh nhân H. mắc phải là căn bệnh mà lẽ ra ở tuổi 35 – 40 mới bị, yếu tố nguy cơ chủ yếu xuất phát từ thói quen ăn nhanh, uống vội lạm dụng rượu bia.

Ngỡ ngàng vì mắc ung thư từ dấu hiệu không rõ ràng

Bệnh nhân N.N.L (60 tuổi – Hà Nam) vào viện thăm khám vì lý do thi thoảng đầy hơi, khó nuốt, khó tiêu, nôn và đau bụng. Các bác sĩ nội soi phát hiện có khối u nhô lên, qua hội chẩn các BS chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư thực quản. Chính vì dấu hiệu không rõ ràng và thường xuyên nên bệnh nhân không theo dõi được.

Từ đó, ông L. thờ ơ không suy nghĩ đến bệnh tình, chỉ đến khi ông cảm thấy ăn và uống đều khó nuốt, đói bụng liên tục ông mới đến bệnh viện kiểm tra.

Khai thác bệnh sử, được biết, trước đây bệnh nhân có thói quen sử dụng rất nhiều chất kích thích, nhất là rượu bia và thuốc lá. Đây cũng được xác định là yếu tố nguy cơ khiến thực quản bệnh nhân bị cảm thấy như thức ăn bị chặn lại trong cổ họng kéo dài.

Cũng là bệnh nhân của nhóm ung thư đường tiêu hóa , tuy nhiên, bệnh nhân Đ.Q.H (24 tuổi – Bắc Giang) mắc phải ung thư dạ dày đang điều trị tại BV K. Đây là bệnh nhân đang ở độ tuổi học tập và lao động, còn khá trẻ so với độ tuổi trung bình của bệnh ung thư.

Trước đây bệnh nhân H. thấy có biểu hiện bất thường, đau dạ dày thường xuyên đã đến bệnh viện nội soi. Nam thanh niên bị phát hiện viêm dạ dày mãn tính. Tuy nhiên, do chủ quan bệnh nhân đã không điều trị cũng không theo dõi bệnh trong một thời gian dài.

Nguy hiểm hơn là thủ phạm gây ung thư dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori). Cầm trên tay kết quả xét nghiệm của các bác sĩ về bệnh viêm dạ dày mãn tính biến chứng thành ung thư dạ dày, bệnh nhân H. vẫn không thể tin vào mắt mình.

Căn bệnh ung thư dạ dày mà bệnh nhân H. mắc phải là căn bệnh mà lẽ ra ở tuổi 35 – 40 mới bị. Song ở độ tuổi ngoài 20 đã không may mang K trong người, yếu tố nguy cơ chủ yếu xuất phát từ thói quen ăn nhanh, uống vội lạm dụng rượu bia.

Âm thầm rước án tử vào đường tiêu hóa vì thói quen gần như ai cũng mắc phải - Ảnh 1.

Ăn nhanh, uống vội, ít vận động là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đường tiêu hóa

Ung thư đường tiêu hóa - Nguy hiểm nhất trong các loại ung thư

Bác sĩ Phạm Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại bụng I –Bệnh viện K cho biết, ung thư đường tiêu hóa thuộc loại ung thư nguy hiểm bởi bệnh thường khởi phát với các triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khiến đa số người bệnh chủ quan, đến khi phát hiện ung thư đã ở giai đoạn muộn.

Các loại bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất là thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng và hậu môn.

Theo số liệu cập nhật về bệnh ung thư, trên thế giới mỗi năm có 14 triệu người mắc ung thư và hơn 8 triệu người tử vong vì căn bệnh này, trong đó ung thư đường tiêu hóa đứng thứ 3 trong các loại ung thư gây tử vong trên thế giới.

Tại Việt Nam, các bệnh lý đường tiêu hóa cũng đứng đầu trong nhóm bệnh nội khoa, nguy hiểm nhất là ung thư đường tiêu hóa.

Nguyên nhân mắc ung thư đường tiêu hóa

Y học đến nay vẫn chưa xác định một cách chính xác nguyên nhân cụ thể của ung thư đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, theo Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới, yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư nói chung và ung thư đường tiêu hóa nói riêng có quan hệ mật thiết đến việc sinh hoạt ăn uống. Con số thống kê cho thấy, hằng năm có đến 33% số người chết vì ung thư có nguyên nhân xuất phát từ ăn uống thiếu lành mạnh.

Những yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ ung thư đường tiêu hóa như: Gen di truyền, tuổi tác, ô nhiễm môi trường, lối sống, chế độ ăn uống...

Chế độ ăn nhiều mỡ, thịt động vật, ít rau xanh, chất xơ có liên quan đến ung thư đại trực tràng, thực quản, dạ dày…

Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày liên quan đến tiền sử nhiễm vi khuẩn HP, chất nitrosamin trong dưa chua muối và thịt hun khói.

Ung thư thực quản liên quan đến thói quen uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc lá...

Dấu hiệu cơ bản cho thấy mắc ung thư đường tiêu hóa

Tuỳ theo mỗi nhóm ung thư mà có những dấu hiệu khác nhau. Đối với ung thư đường tiêu hóa trên (thực quản, dạ dày) thường thấy các biểu hiện như: Đầy hơi, khó tiêu, nuốt khó, đau bụng, ói, nặng có thể ói ra máu kèm sụt cân, thiếu máu và đại tiện ra phân đen.

Còn triệu chứng nhóm ung thư đường tiêu hóa dưới (trực tràng) chủ yếu là rối loạn đại tiện, táo bón, tiêu chảy. Trong đó đặc trưng nhất là đại tiện ra máu, rối loạn đại tiện.

Ung thư đường tiêu hóa ngày càng có xu hướng trẻ hóa

PGS.TS. Vũ Hồng Thăng, Phó trưởng Khoa Điều trị nội 4, BV K Trung ương cho biết, tại BV K số bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa có xu hướng gia tăng, trong đó điển hình là ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng… Theo thống kê, số bệnh nhân ung thư đang ngày càng trẻ hóa so với độ tuổi mắc bệnh lý ung thư.

Theo Viện Nghiên cứu ung thư Việt Nam, ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng là căn bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam và số ca mắc tăng liên tục.

Điển hình ở nam giới, số ca mắc năm 2000 là 2.878 ca, đến năm 2010 tỷ lệ này tăng gần gấp 3 là 7.568 và đến năm 2020 dự báo là 13.269 ca, số bệnh nhân trẻ tuổi chiếm tỷ lệ khá lớn.

"Tại BV K, khi hội chẩn 40 bệnh nhân ung thư thì có 3 bệnh nhân dưới 40 tuổi mắc ung thư, trong đó có 2 bệnh nhân độ tuổi 30 bị ung thư dạ dày" – Bác sĩ Phạm Văn Bình minh chứng.

Âm thầm rước án tử vào đường tiêu hóa vì thói quen gần như ai cũng mắc phải - Ảnh 2.

TS Phạm Văn Bình.

Thực tế, TS Phạm Văn Bình cho biết, ông từng phẫu thuật cho bệnh nhân trẻ nhất mắc ung thư đại tràng là một nam sinh 16 tuổi.

Cháu bé bị ung thư đại trực tràng giai đoạn tiến triển dù các bác sĩ đã làm phẫu thuật và điều trị rất bài bản nhưng khi cháu đến bệnh đã di căn gan, bác sĩ rất cố gắng nhưng kết quả không được như mong muốn. Bệnh nhân đã tử vong trước tiếc nuối của các bác sĩ.

TS Bình cho biết nếu bệnh nhân đến sớm thì cơ hội chữa bệnh sẽ tăng lên rất nhiều nhưng hiện nay thói quen đi khám bệnh của người dân vẫn rất hạn chế.

Chuyên gia khuyến cáo

Tại Việt Nam, các bệnh lý đường tiêu hóa đứng đầu trong nhóm bệnh nội khoa. Các chuyên gia cảnh báo, người dân cần chủ động thăm khám sàng lọc ung thư.

Các đơn vị y tế cần có chiến lược tầm soát ung thư ở giai đoạn sớm. Vận động chương trình truyền thông kiến thức để người dân tự giác thăm khám trước khi mắc bệnh. Tạo cho tất cả mọi người ý thức tự giác khám bệnh định kỳ.

Đồng thời, bản thân người dân cũng phải tự nắm được các triệu chứng sớm của bệnh để có biện pháp can thiệp sớm.

Theo Như Loan

Trí thức trẻ

Trở lên trên