MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

AMRO: ASEAN+3 tăng trưởng 0% năm 2020

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Asean+3 (AMRO) vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Philippines và các quốc gia khác trong khu vực, với ước tính giảm mạnh trong năm nay. ASEAN-5 (bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore) là các quốc gia có tốc độ phục hồi chậm nhất sau đại dịch.

Theo Bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Khu vực Asean+3 năm 2020, AMRO cho biết nền kinh tế Philippines có thể sẽ suy giảm 6,6% trong năm nay và tăng trưởng trở lại ở mức 6,5% vào 2021.

Đối với ASEAN, AMRO dự báo GDP sẽ giảm 2,6% trong năm nay, sau đó tăng trưởng 5,7% vào năm tới. Đối với nền kinh tế ASEAN+3 (ASEAN và ba quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc), tăng trưởng trung bình sẽ bằng 0% vào năm 2020 và đạt 6% trong năm 2021.

Báo cáo chỉ rõ: "Thách thức lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách ASEAN+3 phải đối mặt là việc cân bằng giữa nới lỏng các chính sách giãn cách xã hội để phục hồi nền kinh tế và nguy cơ bùng phát làn sóng thứ hai hoặc thậm chí thứ ba của dịch Covid-19".

Tình trạng các quốc gia khác trên thế giới chính là các bài học quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực về việc nới lỏng giãn cách xã hội cũng như các hoạt động du lịch trong và ngoài nước.

AMRO cũng chỉ ra hiện các quốc gia nhóm ASEAN-5 (bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore) là các quốc gia có tốc độ phục hồi chậm nhất sau đại dịch.

Các nước ASEAN khác, đặc biệt là Việt Nam, Brunei Darussalam, Campuchia, Lào và Myanmar đã chủ động thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này đã giúp họ thành công trong việc ngăn chặn đại dịch.

Theo AMRO, nhờ những nỗ lực ngăn chặn virus của chính phủ các nước, dự kiến kinh tế trong khu vực sẽ dần phục hồi theo hình chữ U. Đồng thời, tất cả các nền kinh tế khu vực ASEAN+3 dự kiến đều sẽ phục hồi trong thời gian tới.

Trong báo cáo, AMRO cũng cho biết các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn virus lây lan trong khu vực ASEAN+3 đã khiến các nền kinh tế đi vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Việc đóng cửa nền kinh tế cũng gây ra gián đoạn trong hoạt động kinh doanh và khiến nhu cầu trong nước suy giảm trên diện rộng. Ngành du lịch - lĩnh vực quan trọng trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh cấm.

Tuy nhiên, AMRO cũng khẳng định rằng đại dịch đã được kiểm soát tương đối tốt trong khu vực, các nhà chức trách đã bắt đầu mở cửa dần nền kinh tế từng quốc gia.

Các chỉ số gần đây cho thấy sự cải thiện đáng kể trong sản xuất và thương mại đối với một số doanh nghiệp. Đồng thời, các chỉ số liên quan tới tần suất di chuyển của người dân cũng tăng cao, cho thấy hoạt động trong khu vực đang dần hồi phục trong những tuần gần đây khi các biện pháp giãn cách và phong tỏa được nới lỏng.

Tuy vậy, việc mở cửa nền kinh tế cũng đã dẫn đến các đợt bùng dịch mới ở một số nơi và một lần nữa, chính quyền đã phải thắt chặt các hạn chế.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên