MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ấn Độ vỡ hồ băng trên dãy Himalaya, Nhật Bản hứng sóng thần

05-10-2023 - 17:00 PM | Tài chính quốc tế

Ít nhất 14 người thiệt mạng và 102 người mất tích sau khi mưa lớn khiến hồ băng trên dãy Himalaya ở phía Đông Bắc Ấn Độ bị vỡ bờ, các quan chức cho biết hôm 5-10.

Theo Reuters, hồ băng Lhonak trên dãy Himalaya, thuộc địa phận bang Sikkim, đã vỡ bờ hôm 4-10, gây ra lũ lụt lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của 22.000 người. 

Đây là hiện tượng thời tiết chết người mới nhất ở vùng núi Nam Á này, nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu.

Ấn Độ vỡ hồ băng trên dãy Himalaya, Nhật Bản hứng sóng thần  - Ảnh 1.

Lũ hồ băng tàn phá bang Sikkim của Ấn Độ - Ảnh: HIMALAYA TIMES

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: "Hoạt động tìm kiếm đang được thực hiện trong điều kiện mưa không ngớt, nước sông Teesta chảy xiết, đường sá và cầu cống bị cuốn trôi ở nhiều nơi".

Tính đến đầu ngày 5-10, cơ quan quản lý thảm họa nhà nước cho biết 26 người bị thương và 102 người mất tích, trong đó có 22 người là quân nhân. 11 cây cầu đã bị cuốn trôi.

Đoạn video từ hãng tin ANI cho thấy nước lũ dâng cao, tràn vào các khu vực xây dựng, khiến nhiều ngôi nhà bị sập, căn cứ quân sự và các cơ sở khác bị hư hại, xe cộ bị nhấn chìm.

Ấn Độ vỡ hồ băng trên dãy Himalaya, Nhật Bản hứng sóng thần  - Ảnh 2.

Đường phố bang Sikkim chìm trong nước lũ - Ảnh: EAST MOJO

Cơ quan thời tiết của Ấn Độ cảnh báo về lở đất và gián đoạn các chuyến bay vì dự kiến sẽ có mưa nhiều hơn trong 2 ngày tới tại nhiều khu vực ở Sikkim và các bang lân cận.

Bang Sikkim hiện bị cắt đứt khỏi TP Siliguri của bang Tây Bengal do đường cao tốc chính bị sập.

G T Dhungel, một thành viên của Hội đồng Lập pháp bang Sikkim, nói với Reuters rằng xăng và dầu diesel đã trở nên khan hiếm ở thủ phủ Gangtok của bang nhưng thực phẩm vẫn dồi dào.

Ấn Độ vỡ hồ băng trên dãy Himalaya, Nhật Bản hứng sóng thần  - Ảnh 3.

Ảnh vệ tinh cho thấy hồ băng Lhonak biến đổi khủng khiếp sau thảm họa - Ảnh: ISRO

Lũ quét từ hồ băng đã đổ xuống thung lũng Teesta, cách TP Gangtok khoảng 150 km về phía Bắc, gần biên giới với Trung Quốc.

Một báo cáo năm 2020 của cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Ấn Độ cho biết các hồ băng đang tiềm ẩn rủi ro ngày càng lớn đối với cơ sở hạ tầng và cuộc sống ở hạ lưu, trong bối cảnh các sông băng ở dãy Himalaya đang tan chảy do biến đổi khí hậu.

Một bài báo của các nhà khoa học tại Trung tâm Viễn thám Qquốc gia Ấn Độ cách đây một thập kỷ đã cảnh báo nguy cơ hồ băng bị vỡ bờ là "rất cao" - ở mức 42%.

Theo các quan chức, thảm họa hôm 4-10 còn tồi tệ hơn vụ vỡ hồ năm 1968 ở Sikkim vì nó liên quan đến việc xả nước từ đập Teesta V của công ty thủy điện NHPC do nhà nước điều hành.

Một nguồn tin chính phủ nói với Reuters rằng 4 cửa đập đã bị cuốn trôi và không rõ tại sao chúng không được mở kịp thời. NHPC cho biết sẽ đánh giá thiệt hại khi mực nước rút về mức bình thường.

Nhật Bản hứng sóng thần nhỏ

Theo Kyodo, sóng thần nhỏ đã ập đến các khu vực thuộc quần đảo Izu của Nhật Bản sau trận động đất mạnh 6,5 độ ở Thái Bình Dương sáng 5-10, không có báo cáo về thiệt hại.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo sóng thần cho khu vực Izu vào khoảng 11 giờ sáng (giờ địa phương), dự báo sóng cao 1 m sẽ ập vào khu vực. Mức sóng được đo ở đảo Hachijo lúc 12 giờ 17 phút trưa cùng ngày là 30 cm.

Cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ lúc 13 giờ 15 phút cùng ngày.

Theo Anh Thư

Người Lao động

Trở lên trên