MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ăn nhiều muối gấp 2-3 lần khuyến cáo của WHO, người Việt phải đối mặt với 7 nguy cơ

28-07-2017 - 07:59 AM | Sống

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ và bệnh tim, thậm chí ăn nhiều muối cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Chúng ta đều biết rằng, muối (natri) đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, nó giúp điều chỉnh lượng chất lỏng và giúp cơ thể hấp thu các dưỡng chất khác nhau vào tế bào. Ngoài ra, mức pH bình thường, mức độ axit bazo trong máu cũng bị ảnh hưởng bởi natri.

Tuy nhiên, khi lượng natri dư thừa có thể gây hại cho sức khỏe vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến thận. Tổ chức Y tế thế giới khuyên không nên dùng quá 5 gram natri mỗi ngày, nếu dùng nhiều hơn có thể gây hại cho sức khỏe tổng thể và gây ra các phản ứng bất lợi.

Kết quả nghiên cứu về lượng muối có trong khẩu phần ăn của nhóm người trưởng thành ở độ tuổi 25-64 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy lượng muối tiêu thụ trung bình tại Việt Nam dao động từ 12-15 gram/người/ngày, cao gấp 2-3 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều này thực sự đáng lo ngại.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ cao huyết áp, đột quỵ và bệnh tim, thậm chí ăn nhiều muối cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

1. Ăn nhiều muối gây hỏng thận. Cơ thể bạn cần một lượng natri đủ để duy trì và cân bằng lượng chất lỏng phù hợp. Nhưng dư thừa natri có thể gây hại cho thận.

Một nghiên cứu năm 2002 được công bố trên Tạp chí Khoa học Nephrology cho thấy, việc hạn chế lượng muối ăn trong các bữa ăn hàng ngày là biện pháp phòng ngừa và điều trị quan trọng ở những bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính, cũng như những người có nguy cơ bị tổn thương thận khi mắc chứng cao huyết áp hay tiểu đường.

Nghiên cứu khác được công bố năm 2012 trong báo cáo tại Nephrology Dialysis Transplantation khẳng định rằng, giảm nhẹ lượng muối ăn ở những bệnh nhân thận cũng giúp ổn định huyết áp, bài tiết protein trong nước tiểu thấp hơn.

Nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Thận Mỹ phát hiện ra rằng, giảm lượng muối ăn cho bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính trong 2 tuần có thể giảm đáng kể lượng protein trong nước tiểu. Nếu duy trì lâu dài, hiệu quả có thể làm giảm 30% nguy cơ suy thận.

2. Tăng huyết áp. Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, trong khi đó, tiêu thụ quá nhiều muối là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra huyết áp cao.

Một nghiên cứu được bố trên tạp chí BMJ năm 2013 cho thấy, giảm lượng muối tiêu thụ trong 4 tuần ở những bệnh nhân cao huyết áp giúp làm suy giảm huyết áp hiệu quả.

3. Tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Quỹ nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện nghiên cứu Ung thư Mỹ xác nhận rằng, muối cũng như các thực phẩm chứa nhiều muối là một trong những nguyên nhân có thể gây ra ung thư dạ dày.

Chế độ ăn nhiều muối có thể kích hoạt điều kiện cho vi khuẩn Helicobacter pylori phát triển. Vi khuẩn này là căn nguyên của 80% trường hợp ung thư dạ dày. Nếu bạn có tiền sử bị bệnh loét dạ dày, tốt nhất nên hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể.

4. Gây giòn xương. Ăn quá nhiều muối cũng tác động xấu đến cấu trúc xương của bạn. Quá nhiều muối có thể cản trở cơ chế hấp thụ canxi, trong khi đó canxi là yếu tố quan trọng cần thiết cho xương chắc khỏe. Khi xương không đủ canxi sẽ trở nên yếu và giòn hơn, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ loãng xương .

Một nghiên cứu năm 2013 của Hiệp hội Nội tiết Nhật Bản cho thấy, chế độ ăn nhiều muối làm tăng nguy cơ bị gãy xương ở bất kỳ vị trí nào gấp 4 lần sau khi mãn kinh.

5. Kích hoạt bệnh suyễn. Ăn quá nhiều muối cũng có thể kích hoạt các cơn hen suyễn . Một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Tạp chí Physician and Sportsmedicine cho thấy, việc duy trì chế độ ít muối 1-2 tuần giảm nguy cơ co thắt phế quản ở những người mắc bệnh hen suyễn.

6. Phù nề. Nạp quá nhiều natri có thể khiến cơ thể giữ nước, dẫn đến hiện tượng phù nề. Nguyên nhân là bởi, khi lượng natri nạp vào cơ thể tăng, cơ thể cần nhiều chất lỏng hơn để bù lại lượng máu giảm.

Ngoài ra, ăn nhiều muối cũng có thể dẫn đến sự mất cân bằng điện giải, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây phù nề.

7. Tăng nguy cơ béo phì. Chế độ ăn nhiều muối cũng liên quan đến béo phì, những người nhiều natri có xu hướng tiêu thụ nhiều calo hơn và có thói quen ăn uống tồi tệ hơn.

Một nghiên cứu năm 2006 phát hiện ra rằng việc tăng lượng natri sẽ làm tăng sự thèm ăn, điều này dẫn đến việc tăng lượng thức uống có chứa lượng calo cao, do đó gây ra chứng béo phì.

Một nghiên cứu khác được công bố năm 2015 ở những người bệnh cao huyết áp cho thấy, lượng muối ăn có liên quan mật thiết đến lượng mỡ thừa cao hơn ở cả trẻ em và người lớn.

Cách giảm lượng muối trong bữa ăn hàng ngày:

- Chọn thực phẩm tươi chưa qua chế biến hoặc ít chế biến. Thực phẩm đóng hộp và chế biến thường được các nhà cung cấp cho thêm muối.

- Đọc kỹ nhãn mác thực phẩm và chọn loại có hàm lượng natri thấp.

- Các loại bánh pizza, bánh mì trắng, phô mai, xúc xích… thường tiềm ẩn hàm lượng muối lớn mà bạn không biết.

- Không nên thêm quá nhiều muối vào các món ăn khi nấu, thay vào đó, hãy sử dụng hạt tiêu, thảo mộc và gia vị để thêm hương vị cho món ăn.

- Ăn thêm thực phẩm chứa kali để giúp hạn chế tác hại của natri lên huyết áp.

*Theo Top10homeremedies/Sciencedaily/NCBI

Theo Linh Chi

Trí thức trẻ

Trở lên trên