MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ẩn số đòn trả đũa của Trung Quốc từ chuyến thăm nhà máy của ông Tập Cận Bình

21-05-2019 - 11:02 AM | Tài chính quốc tế

Hôm qua (20/5), Tân Hoa Xã đưa tin ông Tập đã dừng chân tại công ty khai thác đất hiếm JL MAG Rare-Earth ở tỉnh Giang Tây.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới 1 cơ sở khai thác đất hiếm làm dấy lên đồn đoán rằng thứ nguyên liệu mang ý nghĩa chiến lược này sẽ trở thành vũ khí để Trung Quốc trả đũa Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang ngày càng leo thang.

Hôm qua (20/5), Tân Hoa Xã đưa tin ông Tập đã dừng chân tại công ty khai thác đất hiếm JL MAG Rare-Earth ở tỉnh Giang Tây. JL MAG chuyên sản xuất các cục nam châm có chứa đất hiếm được sử dụng trong những sản phẩm như xe điện và turbine gió. Ngay lập tức cổ phiếu của công ty này đã tăng kịch trần trong phiên giao dịch đầu tuần.

Ẩn số đòn trả đũa của Trung Quốc từ chuyến thăm nhà máy của ông Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Thường xuyên đưa tin tức về hoạt động của các lãnh đạo cấp cao, đã có không ít lần những bài báo của Tân Hoa Xã giúp đẩy tăng cổ phiếu của các công ty được cho là sẽ nhận được hậu thuẫn từ Chính phủ. Tuy nhiên bài báo này còn được giới đầu tư chú ý đặc biệt bởi 1 lý do: đất hiếm bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Quốc gia châu Á mới đây đã tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa Mỹ từ 10% lên 25%, trong khi Mỹ cũng liệt đất hiếm vào danh sách các mặt hàng sẽ bị đánh thuế trong đợt tới.

Hiện Trung Quốc là nước cung cấp đất hiếm chính cho thế giới, chiếm 71% lượng đất hiếm được đào lên khỏi trái đất trong năm ngoái. Mỹ phải phụ thuộc vào đối thủ với 80% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu là đến từ Trung Quốc. Năm ngoái kim ngạch nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc đạt 160 triệu USD, tăng 17% so với năm trước đó. 

Tháp tùng ông Tập trong chuyến thăm tới JL MAG là Phó Thủ tướng Lưu Hạc – người được ông tin tưởng giao phó trọng trách đàm phán thương mại.

Theo Yang Kunhe, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Pacific có trụ sở tại Bắc Kinh, chuyến thăm này "là dấu hiệu cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng đất hiếm để trả đũa Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại nóng lên". Ví dụ như Trung Quốc sẽ hạn chế sản lượng xuất khẩu sang Mỹ. Một động thái như vậy sẽ gây tổn hại đến các công ty khai thác đất hiếm của nước này, nhưng mặt khác nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tung ra các chính sách hỗ trợ đặc biệt bởi ngành công nghiệp này là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc càng thêm trầm trọng trong mấy ngày qua, sau khi chính quyền Trump liệt Huawei vào danh sách đen với cáo buộc gián điệp và đe dọa sẽ cấm các nhà sản xuất phần mềm và chip của Mỹ cung ứng linh kiện cho hãng.

An Nguyên

Bloomberg

Trở lên trên