MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ăn Tết Đoan Ngọ, nhìn lại nông nghiệp Việt Nam tháng 5

Cả nước đang mùa thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu. Hiện tại, có nhiều địa phương giảm diện tích lúa sang sử dụng cho mục đích khác như trồng cây lâu năm, chuyển sang ngành sản xuất phi nông nghiệp cho thu nhập cao hơn hay vì đất bị ô nhiễm không canh tác được.

Tháng tư đong đậu nấu chè.

Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm…

Hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch). Tết Đoan Ngọ là một tết được chú ý của người Việt Nam ta từ ngày xưa. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa, Đoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa; còn Dương là mặt trời, là khí dương Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Theo văn hóa từ xưa truyền lại, vào một ngày sau vụ mùa, nông dân đang ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo đến dày đặc ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ chết hết. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Nhân dịp Tết Đoan Ngọ, chúng tôi xin điểm lại tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp cả nước ta 5 tháng đầu năm 2017.

Đang mùa thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu

Theo thống kê từ Tổng cục thống kê, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa đông xuân ở các địa phương phía Bắc; thu hoạch lúa, hoa màu vụ đông xuân và gieo trồng lúa hè thu ở các địa phương phía Nam. Tính đến ngày 15/5, cả nước đã gieo cấy được 3.075,8 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo cấy với diện tích đạt 1.143,9 nghìn ha, bằng 98,9%; các địa phương phía Nam đạt 1.931,9 nghìn ha, bằng 100,3%.

Hiện nay, trà lúa đông xuân sớm ở phía Bắc đang trong giai đoạn trổ bông, chín sữa. Ước tính sơ bộ, năng suất lúa đông xuân của các địa phương phía Bắc đạt 62,3 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng ước tính đạt 7,12 triệu tấn, giảm 134,5 nghìn tấn. Ở phía Nam, đến trung tuần tháng Năm các địa phương thu hoạch được 1.902,7 nghìn ha lúa đông xuân, chiếm 98,5% diện tích xuống giống và bằng 101,8% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong với diện tích đạt 1.539,5 nghìn ha, bằng 99%. Năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 62,6 tạ/ha, giảm 1,6 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 9,63 triệu tấn, giảm 360,9 nghìn tấn, chủ yếu do ảnh hưởng của tình trạng xâm nhập mặn từ năm trước cùng với hiện tượng mưa trái mùa liên tiếp xảy ra tại thời điểm lúa trổ bông và cho thu hoạch. Một số địa phương có sản lượng lúa đông xuân giảm nhiều so với vụ đông xuân 2016: Đồng Tháp giảm 165,8 nghìn tấn; Long An giảm 96,5 nghìn tấn; Cần Thơ giảm 59,1 nghìn tấn; Kiên Giang giảm 50,6 nghìn tấn.

Cùng với thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 1.169,3 nghìn ha lúa hè thu, bằng 114,4% cùng kỳ năm 2016, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.078,1 nghìn ha, bằng 114%. Lúa hè thu đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống sâu bệnh, hướng dẫn người dân chăm sóc lúa đúng kỹ thuật và đảm bảo lịch thời vụ.

Tính đến giữa tháng Năm, cả nước đã gieo trồng được 607,1 nghìn ha ngô, bằng 91,3% cùng kỳ năm trước; 78,6 nghìn ha khoai lang, bằng 96,6%; 142,2 nghìn ha lạc, bằng 97,6%; 40,6 nghìn ha đậu tương, bằng 96,4%; 610,2 nghìn ha rau, đậu, bằng 103,1%.

Nhiều địa phương giảm diện tích lúa sang sử dụng cho mục đích khác

Diện tích lúa đông xuân ở miền Bắc giảm so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương chuyển một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác. Trong đó, diện tích chuyển sang trồng cây hàng năm khác và cây lâu năm tại Bắc Giang là 1.431 ha; Hưng Yên 1.200 ha; Hải Dương 800 ha; Hà Nội 629 ha; Nam Định 325 ha; Thái Bình 125 ha; Hải Phòng 118 ha. Diện tích chuyển sang nuôi trồng thủy sản tại Hà Nội là 725 ha; Nam Định 195 ha; Hải Dương 149 ha. Diện tích đất thu hồi làm đường giao thông, công trình thủy lợi, trụ sở làm việc... tại Hà Nội là 785 ha; Hưng Yên 300 ha; Hải Phòng 116 ha; Nam Định 110 ha; Hải Dương 90 ha.

Bên cạnh đó, có trên 1.100 ha đất ruộng bị bỏ hoang tại một số tỉnh do lao động nông thôn chuyển sang các ngành sản xuất phi nông nghiệp cho thu nhập cao hơn trong đó Nam Định 510 ha; Hải Phòng 420 ha; Hải Dương 218 ha. Và, 670 ha đất tại Bắc Ninh bị ô nhiễm nước thải sinh hoạt, không canh tác được. Một số địa phương có diện tích lúa đông xuân giảm mạnh: Hà Nội giảm 2,6 nghìn ha; Hưng Yên giảm 1,7 nghìn ha; Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang và Thanh Hóa cùng giảm 1,3 nghìn ha.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên