MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ảnh hưởng Covid-19, Tổng công ty Quản lý bay chật vật với việc trả lương, đối mặt với nguy cơ thiếu lao động

Ảnh: VATM

Ảnh: VATM

Hoạt động hàng không thương mại bị ngưng trệ do chính sách hạn chế đi lại của các nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 đã làm cho sản lượng điều hành bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) bị sụt giảm nghiêm trọng.

Đại dịch Covid-19 bùng phát vào những tháng đầu năm 2020 đã tác động nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng và rõ rệt đến ngành hàng không trong nước và thế giới. Hoạt động hàng không thương mại bị ngưng trệ do chính sách hạn chế đi lại của các nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã làm cho sản lượng điều hành bay của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) bị sụt giảm nghiêm trọng.

Năm 2020, sản lượng điều hành bay của VATM chỉ đạt 423.466 lần chuyến bằng 43,52% so với thực hiện của năm 2019, trong đó sản lượng điều hành bay quá cảnh là hoạt động mang lại nguồn thu chính cho VATM chỉ đạt 141.917 lần chuyến, bằng 30,7% so với năm 2019. Chỉ tiêu doanh thu của VATM cũng bị sụt giảm tương ứng do sụt giảm về sản lượng. Năm 2020, doanh thu của VATM chỉ đạt 1.891 tỷ đồng, bằng 44% so với thực hiện của năm 2019.

6 tháng đầu năm 2021, thị trường hàng không quốc tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi do dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát. Trong nước, thị trường hàng không vừa mới được tạm nhộn nhịp vào dịp Tết nguyên đán, làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát từ ngày 27/4 đến nay với diễn biến phức tạp chưa từng có, tốc độ lây lan nhanh trên phạm vi lan rộng đến 48 tỉnh thành làm cho hoạt động hàng không trong nước lao đao. Ngay tuần thứ 2 sau khi dịch bùng phát, hoạt động bay đã giảm 50% so với tuần trước đó, các tuần tiếp theo tiếp tục giảm thêm 10%.

Theo số liệu thống kê, sản lượng điều hành bay 5 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 161.265 lần chuyến bằng 73% so với thực hiện cùng kỳ năm 2020. Với tình hình dịch như hiện nay, dự kiến sản lượng điều hành bay cả năm 2021 chỉ bằng khoảng 67% so với thực hiện của năm 2020, tổng doanh thu năm 2021 dự kiến tiếp tục sụt giảm và chỉ bằng khoảng 76% so với thực hiện của năm 2020. Những con số ước tính này sẽ còn thấp hơn nữa nếu tình hình đại dịch kéo dài trong nhiều tháng tới.

Doanh thu của VATM còn bị ảnh hưởng do các hãng hàng không gặp khó khăn về tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán tiền điều hành bay cho VATM, bên cạnh đó việc Chính phủ áp dụng chính sách giảm giá điều hành bay đi, đến quốc nội bằng 50% mức giá quy định để giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không trong nước, làm tăng thêm khó khăn cho tình hình tài chính của VATM. Thực tế, mức thu giá điều hành bay đi, đến hiện nay không đủ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ mà VATM phải bỏ ra.

Tình hình tài chính khó khăn đã tác động nặng nề đến việc tích lũy và cân đối vốn cho đầu tư phát triển trong điều kiện Tổng công ty đang triển khai, thực hiện hàng loạt các dự án trọng điểm, quan trọng phục vụ trực tiếp nhiệm vụ điều hành bay và ưu tiên phải hoàn thành trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 như Dự án "Các công trình phục vụ quản lý bay" thuộc Dự án "Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1"; Dự án ‘Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh"; Dự án đầu tư các trạm Rada…

Với đặc thù ngành nghề, cho dù tần suất và mật độ bay giảm nhưng các lực lượng trực tiếp tham gia dây chuyền cung cấp dịch vụ như kiểm soát viên không lưu, nhân viên kỹ thuật, nhân viên thông báo tin tức hàng không… vẫn phải duy trì chế độ ca kíp, các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật chuyên ngành vẫn phải đảm bảo hoạt động 24/7 để đảm bảo cung cấp dịch vụ thường xuyên liên tục, theo đúng các vị trí do nhà chức trách hàng không quy định. 

Hơn thế nữa, trong những đợt dịch bùng phát, để đảm bảo an toàn cho lực lượng lao động trong dây chuyền cung cấp dịch vụ, Tổng công ty phải áp dụng kích hoạt kế hoạch ứng phó đại dịch tại các cơ sở điều hành bay, theo đó, lực lượng lao động trong dây chuyền phải trực chốt theo từng kíp tại đơn vị, mỗi kíp liên tục 14 hoặc 21 ngày tùy diễn biến mỗi đợt dịch, đơn vị bố trí ăn, nghỉ tại đơn vị.

Mặc dù đã cố gắng cân đối thu chi hết mức, dồn nguồn lực để trả lương cho người lao động, năm 2020, Tổng công ty cũng chỉ đủ chi trả mức tiền lương theo hợp đồng lao động và khoảng 30% tiền lương giờ cho kiểm soát viên không lưu. 

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, dự kiến tiền lương năm 2021 còn khó khăn hơn nữa. Mức sụt giảm thu nhập này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động và hoạt động của Tổng công ty. 

Để một người lao động mới tuyển dụng có thể đảm nhận vị trí làm việc độc lập trong dây chuyền cung cấp dịch vụ thì cần thời gian khoảng 3 đến 5 năm đối với kiểm soát không lưu, và khoảng 2 năm đối với các dịch vụ còn lại như thông tin, dẫn đường, giám sát, thông báo tin tức hàng không, khí tượng hàng không, tìm kiếm cứu nạn hàng không. 

Nếu tình hình thu nhập tiếp tục sụt giảm, Tổng công ty có thể đối mặt với khó khăn là tình trạng thiếu lao động cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trong giai đoạn khi hoạt động bay phục hồi trở lại.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không có tính chất đặc thù, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Trong điều kiện hoạt động có nhiều bất lợi, Tổng công ty đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tổ chức lại sản xuất, cắt giảm tối đa các chi phí, tạm dừng triển khai hoặc giãn tiến độ triển khai các dự án chưa thực sự cấp thiết, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, để đảm bảo mục tiêu cao nhất của Tổng công ty là dù trong bất kỳ tình huống nào cũng phải duy trì việc cung cấp dịch vụ điều hành bay liên tục, thông suốt, đảm bảo an toàn cho 100% các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên