Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp ngành bia rượu báo lãi quý 2/2021 giảm sút so với cùng kỳ
Những "ông lớn" ngành bia như Sabeco, Habeco đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong quý 2/2021.
Quý 2/2021 kết thúc trong thời điểm cả nước đang căng mình chống đợt dịch Covid-19 bùng phát. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp ngành bia, rượu sẽ gặp khó khăn do tình hình tiêu thụ, do ảnh hưởng của các lệnh giãn cách, hạn chế tụ tập.
Sabeco và Habeco đồng loạt sụt giảm lợi nhuận
Ông lớn Sabeco (SAB) báo cáo doanh thu hợp nhất quý 2/2021 đạt 7.272 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí bán hàng tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế còn 1.071 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu đạt 13.165 tỷ đồng, tăng 9% so với nửa đầu năm ngoái. Khấu trừ hết chi phí, Sabeco còn lãi sau thuế 2.057 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Theo Sabeco, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp toàn diện để tối ưu việc quản lý kinh doanh và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bán hàng, từ đó góp phần giảm thiểu ảnh hưởng từ làn sóng thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Báo cáo ghi nhận, tổng chi phí quảng cáo và khuyến mại 6 tháng đầu năm 2021 của công ty tăng 62% so với cùng kỳ, lên 1.246 tỷ đồng. Thực trạng cho thấy chiến dịch gia tăng quảng cáo, khuyến mại đã giúp doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng.
Chiếm lĩnh thị phần miền Bắc, Habeco (BHN) cũng kết thúc quý 2 với lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.936 tỷ đồng, giảm 9% so với quý 2/2020. Cũng do chi phí bán hàng tăng dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm 26% so với cùng kỳ, còn 182 tỷ đồng. Habeco cho biết, chi phí bán hàng tăng chủ yếu do chi phí quảng cáo, khuyến mại, hỗ trợ và chi phí khác. Điều này phù hợp với kế hoạch tập trung nguồn lực vào các chương trình khuyến mại đã được cổ đông Habeco thông qua tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2021 vừa qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 Habeco đạt 3.312 tỷ đồng doanh thu thuần và 230 tỷ đồng LNST, vẫn lần lượt tăng 15% và 58% so với cùng kỳ.
Halico (HNR) tiếp tục thua lỗ
Sau quý 1 có vẻ khởi sắc với số lỗ chỉ 1 tỷ đồng, doanh thu tăng đột biến 34% lên gần 36 tỷ đồng khiến nhà đầu tư chú ý thì quý 2 "đâu lại vào đó". Doanh thu quý 2 tiếp tục giảm 37% so với cùng kỳ, còn hơn 17,2 tỷ đồng và lỗ tiếp 12,3 tỷ đồng, gần gấp đôi so với số lỗ 6,5 tỷ đồng quý 2 năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021 Halico lỗ 13,3 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế chưa phân phối lên 458 tỷ đồng.
Trên thực tế, ảnh hưởng của dịch bệnh, của các lệnh hạn chế tụ tập, tiếp xúc, hạn chế việc tổ chức tiệc tùng mỗi lần bùng phát dịch, cùng với mức phạt đủ sức răn đe đối với việc uống rượu bia khi lái xe đã khiến sức mua giảm. Cộng với đó quý 2 là quý bước vào mùa nóng tại Việt Nam, lượng tiêu thụ rượu giảm sút so với quý 1 cũng không lạ.
Nhiều doanh nghiệp ngành bia vẫn báo lãi tăng trưởng
Ngoài 2 ông lớn Sabeco và Habeco, và cồn rượu Halico, hầu hết các doanh nghiệp bia rượu khác trên sàn đều là công ty con, liên doanh liên kết có liên quan đến các sản phẩm mang thương hiệu của Bia Sài Gòn hoặc Bia Hà Nội.
Phần lớn các doanh nghiệp ngành bia khác cũng báo lãi quý 2 tăng trưởng so với cùng kỳ như Bia Sài Gòn Miền Tây (WSB), như Bia Sài Gòn Phú Thọ (BSP), Bia Sài Gòn Sông Lam (BSL), Bia Sài Gòn Miền Trung (SMB) hay lợi nhuận đi ngang như Bia Sài Gòn Quảng Ngãi (BSQ).
Cá biệt có doanh nghiệp báo lãi quý 2 giảm sút so với cùng kỳ như Bia Hà Nội Hải Dương 9HAD). Hay những doanh nghiệp báo lỗ như cùng kỳ như Bia Hà Nội Quảng Bình (BQB), như Bia Sài Gòn Bạc Liêu (SBL).
Doanh Nghiệp Tiếp Thị
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- PVS điều chỉnh giảm 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau soát xét
- Vinaconex (VCG) điều chỉnh giảm hơn 30 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau soát xét
- Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp biến động mạnh sau soát xét bán niên 2021
- Petrolimex (PLX) điều chỉnh tăng 99 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau soát xét
- Bất chấp việc kinh doanh có lãi, kiểm toán vẫn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của OGC