Anh vẫn hi vọng trưng cầu lần 2
Công đảng Anh đã rơi vào khủng hoảng khi hơn một nửa nội các từ chức, châu Âu bất đồng về việc nên để London nhanh chóng ra đi trong khi người dân Anh vẫn hi vọng một cuộc trưng cầu ý dân lần 2.
- 26-06-2016Anh bị thúc ép phải nhanh chóng rời EU
- 26-06-2016Kết quả cuộc trưng cầu Anh rời EU có thể đảo ngược?
- 25-06-2016Vì sao phe ủng hộ Anh rời EU bất ngờ thắng trong cuộc trưng cầu dân ý?
Nhiều tờ báo Anh hôm qua đều có chung câu hỏi liệu nước này có thể tổ chức trưng cầu ý dân một lần nữa khi số người tham gia ký tên trên trang web của Hạ viện Anh đã lên đến 3 triệu. Những người yêu cầu bỏ phiếu lại đưa ra lập luận cho rằng nếu một trong hai phe “nhận được ít hơn 60% phiếu trên tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ít hơn 75% thì phải tổ chức trưng cầu lại”.
Liệu có trưng cầu lại?
Về lý thuyết, câu trả lời là có thể bởi nó đã từng xảy ra ở một số nước. Theo luật gia Jolyon Maugham, có hai khả năng để trưng cầu ý dân lại. Một là sớm tổ chức tổng tuyển cử và một đảng ủng hộ ở lại EU sẽ giành chiến thắng, nhưng điều này cần sự chấp thuận của hạ viện vốn do Đảng Bảo thủ kiểm soát. Hai là EU đưa ra một đề nghị “hấp dẫn hơn” khiến Chính phủ Anh phải suy nghĩ lại, hay ít nhất khiến đa số dân Anh gây áp lực lên chính phủ.
Tuy nhiên, theo báo Independent, khó có thể trưng cầu ý dân lần 2 ngay lập tức trừ khi xuất hiện những chuyển biến lớn. Thủ tướng Anh David Cameron, người vừa tuyên bố từ chức, cũng đã bác khả năng bỏ phiếu lần 2 trong khi lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, người vận động ở lại EU, nói rằng London “phải chấp nhận quyết định và xây dựng lại quan hệ với châu Âu trong tương lai”.
“Về chính trị, việc trưng cầu ý dân lại là một điều không thể tưởng tượng nổi” - Anand Menon, giám đốc Tổ chức Changing Europe tại London, bình luận. Giáo sư Vernon Bogdanor, một trong những chuyên gia về hiến pháp hàng đầu của Anh, cũng đánh giá khả năng một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 khó xảy ra. “Tôi không nghĩ EU muốn trả giá thêm nữa, họ sẽ xem cuộc bỏ phiếu này là chung cuộc” - ông Bogdanor nhận định.
Giáo sư Anne Deighton của Đại học Oxford mô tả cơn sốt đòi bỏ phiếu lại như một sự chếnh choáng trong cơn say. “Đơn kiến nghị là một phần của sự chếnh choáng khi những cử tri bất cẩn làm bùng lên ngọn lửa chính trị gây ra những hậu quả khôn lường”.
Khủng hoảng
Quả thật ngọn lửa chính trị bùng lên ở Anh đã cháy đến Công đảng đối lập khi chủ tịch đảng Jeremy Corbyn đối mặt với nguy cơ bỏ phiếu bất tín nhiệm vì chiến dịch vận động Bremain mờ nhạt.
Theo Reuters, người phụ trách y tế của đảng này Heidi Alexander hôm 26-6 tuyên bố từ chức, đồng thời lên mạng Twitter chê ông Corbyn không đủ khả năng đưa ra những câu trả lời mà đất nước cần. Lãnh đạo phụ trách chính sách giới trẻ Gloria de Piero ngay sau đó cũng tuyên bố từ chức. Trước đó, thành viên phụ trách ngoại giao Hilary Benn cũng chỉ trích ông Corbyn và đã bị sa thải.
BBC cùng ngày đưa tin một nửa thành viên nội các Anh sẽ từ chức để buộc ông Corbyn phải ra đi. Theo hãng tin này, ngoài việc bất mãn với ông Corbyn về chiến dịch vận động trước cuộc trưng cầu, các thành viên Công đảng lo ngại có thể trắng tay sau khi Anh có thủ tướng mới và tổ chức tổng tuyển cử. Trái lại, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond trên Reuters lại khẳng định nội các sẽ không thay đổi cho đến khi thủ tướng mới nhậm chức.
Trong khi đó, vấn đề thời gian để Anh rời EU cũng còn nhiều điều tranh cãi. Liam Fox, thành viên của Đảng Bảo thủ và cũng là thủ lĩnh của chiến dịch Brexit, ngày 26-6 tuyên bố Anh sẽ bắt đầu rời EU từ năm 2019. “Đó là khung thời gian hợp lý” - ông Fox nói với BBC.
Các lãnh đạo EU trước đó cũng yêu cầu London nhanh chóng hoàn tất thủ tục “ly dị”. “Chúng tôi cho rằng quá trình này nên diễn ra càng sớm càng tốt để sớm chấm dứt thời gian giam cầm lẫn nhau” - Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố hôm thứ bảy tuần trước tại cuộc họp của nhóm sáu nước sáng lập EU.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng sự vội vã cắt đứt với London có thể tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân túy. “Thành thật mà nói chuyện này không nên kéo dài nhưng tôi sẽ không muốn nhanh chóng - Reuters dẫn lời bà Merkel - Phải có các cuộc đàm phán tương tự như trong làm kinh doanh. Anh sẽ vẫn là một đối tác thân thiết mà chúng ta có liên kết về kinh tế”.
Dù số người đòi trưng cầu ý dân lần 2 gần 3 triệu, đã vượt gấp nhiều lần mức cần thiết 100.000 để đưa ra thảo thuận tại quốc hội nhưng dù vậy nó cũng khó thay đổi được điều gì. Quốc hội Anh đến nay chỉ cam kết sẽ cân nhắc thảo luận vấn đề này. Nhà nghiên cứu Chris Terry của Electoral Reform Society đưa ra đề xuất rằng phe kiến nghị thu thập hơn... 17 triệu chữ ký, tức nhiều hơn số phiếu của Brexit. Trong khi đó, tờ Sunday Post ngày 26-6 đưa kết quả khảo sát cho thấy số người ủng hộ Brexit lại tăng lên 59%.
Tuổi Trẻ