Áp dụng thành công Basel II: Gian nan nhưng xứng đáng
Basel II đang được xem là một “chứng chỉ” thể hiện chất lượng quản trị rủi ro mà các ngân hàng (NH) đang nỗ lực thực hiện theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hành trình tuân thủ Basel II tuy đầy thách thức nhưng khi thành công, NH sẽ hái được “quả ngọt” ở cuối con đường.
Basel II: Khó mấy cũng phải làm
Basel II phiên bản Việt Nam (thông tư 41) là chiến lược dài hạn mà NHNN đã chủ động xây dựng lộ trình triển khai và áp dụng đối với hệ thống NHTM từ năm 2014 để hướng tới xây dựng một ngành NH Việt Nam lành mạnh, hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện Basel II các NH phải đối mặt với hàng loạt khó khăn: áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR; nâng cao năng lực quản trị, tuân thủ kỷ luật thị trường, xây dựng hệ thống và thu thập dữ liệu…
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết: “Để hoàn thành các hạng mục Quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II đòi hỏi quyết tâm rất lớn. OCB đã triển khai 10 công cụ lớn nhỏ hỗ trợ tích cực cho công tác tín dụng và quản trị rủi ro; nghiên cứu soạn thảo, điều chỉnh bổ sung, cải tiến gần 30 quy trình/quy định liên quan đến công tác tín dụng, dữ liệu và quản trị rủi ro. Đồng thời, NH cũng đã tổ chức hàng loạt chương trình truyền thông, đào tạo đồng bộ và hiệu quả trên toàn hệ thống.”
Thực tế, Basel II không chỉ giúp NH giảm rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn, mà còn giảm đáng kể các thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra. Đây cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình hội nhập với thế giới và cũng là cách để bảo vệ NH, khách hàng tốt nhất. Hơn nữa, sau khi áp dụng thành công, hệ thống NH Việt Nam sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn vì đã đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong tình hình hiện nay, đối với hệ thống NH Việt Nam, tiêu chuẩn Basel II đã trở thành một yêu cầu quan trọng trong quản trị rủi ro và đảm bảo tính an toàn cho hệ thống nên dù có khó khăn đến mấy, chỉ là sớm hay muộn các NH sẽ phải tham gia vào lộ trình này nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi.
“Quả ngọt” cho người về đích sớm
Mặc dù hiểu được tầm quan trọng của Basel II, nhưng việc triển khai thành công lại là một quá trình đầy khó khăn đòi hỏi sự quyết tâm lớn. Bởi vậy trong số 10 NH được NHNH lựa chọn để áp dụng thí điểm từ năm 2014, đến nay, chỉ mới có VIB, Vietcombank được công nhận áp dụng thành công Basel II. Mặc dù không nằm trong danh sách thí điểm, nhưng mới đây (26/12) Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đã chính thức được NHNH chấp thuận áp dụng Basel II trước thời hạn.
Đây là 3 NH tiên phong, chấp nhận thay đổi và quyết liệt thực hiện để hoàn thành Basel II trước thời hạn. Điều đặc biệt, các chuyên gia nhận xét, các NH thành công trong việc hoàn tất triển khai Basel II sớm cũng là các NH hàng đầu trong quản trị rủi ro và hiệu quả hoạt động; có chất lượng tài sản hàng đầu, không còn dư nợ trái phiếu tại VAMC, các hệ số an toàn và thanh khoản lành mạnh, hệ số sinh lời thuộc nhóm cao nhất ngành và đang tăng trưởng năng động.
Thực tế, Basel II đã đem đến những giá trị thiết thực không chỉ cho chính NH, mà các khách hàng và cổ đông cũng nhận được nhiều lợi ích. Tại OCB, Basel II đã giúp tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu. Thêm vào đó, khách hàng cũng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch ở OCB, bởi tài sản của khách hàng đã được bảo vệ trước các rủi ro có thể phát sinh.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB, khẳng định: “Từ tháng 12/2017, OCB đã hoàn thành triển khai Basel 2 và sau một năm áp dụng, OCB đã được NHNN thẩm định, đánh giá và công nhận. Sự công nhận của NHNN về việc áp dụng Thông tư 41, chính thức hoàn thành triển khai thành công Basel II tại OCB tạo nền tảng quan trọng cho OCB duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường, đem lại các giá trị gia tăng có lợi nhất cho khách hàng trong định hướng “Khách hàng là trọng tâm” mà OCB đang theo đuổi”.
Việc về đích sớm của 3 NH, đặc biệt là OCB, NH không nằm trong danh sách áp dụng thí điểm của NHNH đã tạo một “cú hích” để các NH còn lại tăng tốc trong việc thực hiện các hành động để tuân thủ Basel II nhằm sớm hoàn thành mục tiêu của NHNH hướng tới tái cấu trúc ngành NH, nâng cao năng lực quản lý rủi ro và chuẩn mực an toàn trong hoạt động NH theo thông lệ quốc tế.