MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực giá, phí: Doanh nghiệp điêu đứng

Xăng dầu tăng giá đã đẩy cước phí vận tải, nguyên phụ liệu đầu vào tăng lên. Trong khi đó, trình trạng thiếu vốn, thiếu lao động đã khiến doanh nghiệp (DN) tại TPHCM chịu nhiều sức ép trong việc khôi phục sản xuất.

Nguyên liệu tăng 70%

“Trước tết, giá nguyên vật liệu đã tăng 20-30%, giờ giá xăng dầu tăng thêm, có thể trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng không nhiều, nhưng nếu xăng dầu vẫn neo ở mức cao thì có thể giá nguyên vật liệu sẽ tăng thêm vào thời gian tới” - ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, chuyên gia công hàng đi Mỹ, châu Âu, cho biết.

 Áp lực giá, phí: Doanh nghiệp điêu đứng  - Ảnh 1.

Hàng loạt chi phí tăng giá khiến DN sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ảnh: U.P


Điều ông Quang Anh lo lắng hơn, đó là nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất. Khi nguyên vật liệu cấp 1 tăng, đến cấp 2 - cấp 3 tăng… và cuối cùng là nguyên vật liệu đầu vào đồng loạt tăng giá, kéo theo nguy cơ đứt gãy sản xuất.

Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó chủ tịch Hội Dệt may-Thêu đan TPHCM nhìn nhận, dù lĩnh vực dệt may được đánh giá là ngành có nhiều tín hiệu khởi sắc sau dịch nhưng do chi phí vận chuyển (logistics) tăng cao, giá nguyên phụ liệu thô bất ổn nên DN trong ngành gặp không ít khó khăn. “Đa số DN nhập nguyên phụ liệu để sản xuất, xuất khẩu nhưng hiện giá sợi cotton tăng 70%, giá nguyên phụ liệu trong nước tăng 40%. Do đó, để sản phẩm đầu ra có giá ổn định cạnh tranh với các nước, tạo lợi thế cho những đơn hàng tiếp theo là áp lực rất lớn với DN” - bà Xuân nói.

Là ngành nghề có kim ngạch xuất khẩu tăng ổn định với mức tăng bình quân 15%/năm trong 2 năm qua, nhưng ông Bùi Hữu Thêm, Phó tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho rằng đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể, chi phí xuất khẩu vẫn ở mức cao, đặc biệt đi Mỹ và châu Âu với mỗi container đi Mỹ (bờ Đông) phải trả trên dưới 22.000 USD, tăng gần 10 lần so với lúc ổn định. Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên ngành chế biến gỗ vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có tay nghề. Bên cạnh đó, khi xăng dầu tăng giá đẩy nguyên liệu đầu vào giá cao nhưng thành phẩm lại không được tăng giá…

“Giá xăng dầu tăng dẫn đến các nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng, DN không thể đàm phán tăng giá đối với sản phẩm bán ra” - ông Thêm cho hay.

Ðiểm “nghẽn” logistics

Một điểm thách thức nữa theo các DN là chi phí logistics tăng phi mã khiến nhà xuất khẩu gặp khó khăn và thách thức. Theo Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TPHCM Lê Thị Hồng Loan, logistics là điểm yếu của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. “Hệ thống logistics trong nước yếu kém gây nghẽn chuỗi cung ứng và đẩy giá thành lên cao” - bà Loan nói.

Để giảm giá thành đầu vào, ông Khương Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh TPHCM cho rằng, thành phố nên xem xét quy hoạch, phát triển mạnh hệ thống logistics, đặc biệt là khu vực TP Thủ Đức với các cảng lớn. Đồng thời, quy hoạch logistics phải gắn liền với vận tải đường thủy nội địa sẽ giúp giảm kẹt xe, lưu thông thuận lợi,… từ đó góp phần giảm giá thành đầu vào.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM chia sẻ, các DN đã có đơn hàng đến hết tháng 7 nhưng rất lo lắng vì chi phí tăng cao, đặc biệt giá xăng dầu, logistics, đầu vào nguyên phụ liệu tăng, lại thêm phí cảng biển. Do đó, các hội ngành hàng đều kiến nghị thành phố xem xét lùi thời gian áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển để giảm phần nào gánh nặng cho DN.

Các hội ngành nghề hiến kế thành phố tập trung phát triển đề án logistics trên địa bàn vì đây là mạch máu của nền kinh tế, chú ý đầu tư các kho, bãi phục vụ xuất khẩu nông sản, qua đó gia tăng giá trị nông sản Việt; cần có tích hợp và cung cấp thông tin về chính sách, thị trường thuận lợi cho DN.

“Nhà nước cần mạnh tay hơn nữa để kiềm chế vấn đề tăng giá, giữ bình ổn giá sẽ kéo theo sản lượng được bình ổn. Về vấn đề logistics, cơ quan quản lý cần hỗ trợ, đàm phán đối với các đơn vị vận tải các nước. Các DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ mong cần được hỗ trợ chuyển đổi số có hiệu quả, tổ chức các hội chợ trong và ngoài nước để kết nối, bán hàng” - ông Bùi Hữu Thêm nêu ý kiến.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM bày tỏ lo ngại tình hình lạm phát trên thế giới và giá dầu dự báo có thể tiếp tục tăng, vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Sở sẽ tăng cường hoạt động kết nối giữa DN với ngân hàng và xem xét lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển, cũng như tích hợp, cung cấp thông tin về thị trường, chính sách thị trường một cách thuận lợi cho DN…

“Năm 2022, TPHCM vẫn kỳ vọng lớn vào sự hồi phục và phát triển. Theo đó, thành phố sẽ tập trung triển khai các nội dung chính như kêu gọi đầu tư vào các trung tâm logistics, phối hợp triển khai hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ, đồng hành với các DN trong hoạt động xúc tiến, kích cầu...” - ông Vũ cho biết.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên