MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực lạm phát năm 2024 là không lớn

Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2024, dù dự báo còn nhiều khó khăn, nhưng nước ta có thể kiểm soát lạm phát thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài Chính- TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, năm 2024, áp lực lạm phát được dự báo sẽ không lớn bởi kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. Hơn nữa, do thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, khu vực công nghiệp - xây dựng và toàn bộ nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng thấp trong năm 2024. Nếu tăng trưởng GDP trong năm 2024 chỉ xoay quanh mức 6% như nhiều dự báo, tính chung giai đoạn 2020-2024, GDP sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 4,64%, tức là nền kinh tế năm 2024 vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng. Đây là yếu tố kiềm chế lạm phát. Do đó, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ ở mức khoảng 3- 3,5%, là con số thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra là 4-4,5%.

Áp lực lạm phát năm 2024 là không lớn- Ảnh 1.

Dự báo năm nay lạm phát thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra

"Về lạm phát, theo tôi năm nay sẽ xoay quanh mức 3% tính trung bình, trong trường hợp kinh tế thế giới của Việt Nam tăng trưởng tốt có thể lên 3,5%. Nhưng trong trường hợp kinh tế Mỹ và thế giới rơi vào suy thoái, giá nguyên vật liệu giảm mạnh có thể trung ương cỡ là 2,5-3%. Nhìn chung là áp lực lạm phát là không lớn, bởi bối cảnh hiện tại là không quá thuận lợi để lạm phát, cùng với đó chính sách kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước trong vòng 10 năm được điều ành rất thành công" - TS. Nguyễn Đức Độ nói.

Tuy nhiên, để kiểm soát lạm phát năm 2024 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình thế giới đặc biệt lạm phát các nền kinh tế lớn. Từ đó kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có biện pháp ứng phó phù hợp. Qua đó, nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lưu ý: "Năm 2023 mặc dù là các chỉ số giá bình quân chỉ tăng 3,25%, nhưng nếu chúng ta loại bỏ yếu tố nhiên liệu và thực phẩm, thì lạm phát lõi hay lạm phát cơ bản chúng ta vẫn trên 4%. Như vậy thì các yếu tố lạm phát do tiền tệ cần được quan tâm trong năm 2024, khi có hai yếu tố có thể đẩy cung tiền trong năm 2024 tăng cao, đó là vấn đề về giải ngân đầu tư công vào vấn đề thứ hai, đó là việc chúng ta tăng tín dụng với giao chỉ tiêu đầu năm lên tới 15% năm 2024".

Theo Nguyễn Hằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên