Áp thuế VAT 10% với dịch vụ xuất khẩu và bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Nếu phải chịu thuế suất VAT 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam khó cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác.
- 17-03-2024Doanh nhân kiều bào mong muốn đầu tư vào công nghiệp bán dẫn Việt Nam
- 17-03-2024Doanh nghiệp Phần Lan muốn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam
- 17-03-2024Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn: Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định
Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến. Đáng chú ý, dự thảo lần này có điều khoản áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% đối với tất cả các dịch vụ xuất khẩu (ngoại trừ một số dịch vụ được quy định cụ thể).
Theo đó, khoản 1, Điều 9 của Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) quy định theo hướng sẽ đánh thuế 10% với hầu hết dịch vụ xuất khẩu thay vì cho phép hưởng thuế suất 0% như trước.
Cụ thể, các lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu vẫn được hưởng thuế suất 0% chỉ còn vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu thuế suất tương ứng, về cơ bản là mức 10%.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc sửa đổi xuất phát từ việc thời gian qua, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước.
Trước đề xuất đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc về nội dung này, bởi nếu quy định như đề xuất không chỉ tạo ra sự thiếu công bằng, mà còn khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Liên quan vấn đề này, mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có Công văn số 31/CV-VASEP gửi các bộ, ngành: Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư; Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và Tổng cục Thuế.
Theo VASEP, quy định như đề xuất tại Dự thảo là chưa hợp lý, không phù hợp với thông lệ, xu hướng của thế giới, tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu so với các nước. Lý giải rõ hơn về vấn đề này, VASEP cho biết, theo thông lệ quốc tế, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Đồng thời, các nước này thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, khi áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa vẫn được khấu trừ. Thậm chí, thủ tục hoàn thuế sẽ còn đơn giản hơn vì được khấu trừ cho dịch vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp không thuộc đối tượng kê khai thuế, họ lại không có cơ chế được hoàn thuế.
“Việc áp dụng thuế đối với dịch vụ xuất khẩu gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa, bởi cùng là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu nhưng một bên được khấu trừ thuế đối với dịch vụ xuất khẩu, một bên không được khấu trừ. Đồng thời, khi áp dụng đối với doanh nghiệp chế xuất là sai với nguyên tắc thu thuế và đối tượng chịu thuế”, VASEP nhìn nhận.
Cũng theo VASEP, đối với các doanh nghiệp chế xuất, toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ tính vào chi phí. Điều này dẫn đến giá thành của sản phẩm xuất khẩu bị đội lên rất nhiều. Chính sách thuế bất lợi sẽ khiến doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam bị giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác, giảm kim ngạch xuất khẩu, từ đó không giữ chân được nhà đầu tư hiện tại cũng như không thu hút được nhà đầu tư mới.
“Việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu không những giảm sự cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất mà còn tạo thêm nhiều thủ tục về thuế cho doanh nghiệp chế xuất. Đồng thời, đi ngược lại với chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia của Chính phủ”, VASEP nhận định.
Cùng quan điểm với VASEP, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, quy định như Dự thảo đề xuất là không phù hợp bởi, định hướng của Việt Nam là đang ưu tiên xuất khẩu. Hiện, trong hoạt động thương mại có thặng dư, nhưng dịch vụ xuất khẩu lại bị thâm hụt, thậm chí thâm hụt nhiều. Vì thế, muốn đẩy mạnh dịch vụ xuất khẩu thì chúng ta càng không thể đánh thuế.
Chưa kể, lĩnh vực dịch vụ là một trong những lĩnh vực quan trọng để từ đó có thể thay đổi kết cấu của nền kinh tế mà hiện nay chúng ta đang mong muốn đó là tăng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ, công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc dịch vụ xuất khẩu phải đi đầu.
“Với việc dịch vụ xuất khẩu chưa được bao nhiêu, nhưng đã đề xuất đánh thuế giá trị gia tăng, đồng nghĩa với việc chúng ta đang cản đường hay nói cách khác là dùng “phanh hãm” dịch vụ xuất khẩu dừng lại. Điều này đi ngược lại với việc mong muốn tái cấu trúc nền kinh tế”, vị chuyên gia này bày tỏ
Thực tế, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam đạt khoảng 20 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm, cao hơn so với tăng trưởng GDP. Hơn nữa, hoạt động xuất khẩu dịch vụ thường không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn nên phù hợp với nền kinh tế Việt Nam.
Rõ ràng, dịch vụ xuất khẩu là một trong những thế rất mạnh của các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt trong thời đại kinh tế số như hiện nay, việc chúng ta xuất khẩu các dịch vụ tài chính, kế toán,… là những thế mạnh.
Nếu chúng ta biết khơi dậy tiềm năng, tổ chức, tìm nguồn và hợp tác thì xuất khẩu dịch vụ của chúng ta sẽ thăng hóa trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, nếu phải chịu thuế suất VAT 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam gặp khó cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác. Do đó, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến các nhà đầu tư của Việt Nam tìm cách chạy ra nước ngoài để đầu tư. Việc này không chỉ chảy máu chất xám, mà còn không thu được ngoại tệ.
Công Thương