Apple và Amazon đối mặt với khoản tiền phạt trị giá hơn 218 triệu USD tại Tây Ban Nha
Các công ty lớn thường vướng vào các vấn đề pháp lý và cần có sự hỗ trợ của các luật sư lành nghề để xử lý các vụ tranh chấp, kiện tụng. Hiện tại, Apple và Amazon đang cùng phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 218,03 triệu USD.
- 19-07-2023Tây Ban Nha phạt Apple và Amazon tổng cộng 218 triệu USD
- 12-07-2023Sếp Apple chỉ ra thói quen "nên bỏ" mà không ít người dùng iPhone đang mắc phải!
- 12-07-2023Apple xác nhận bản cập nhật iOS khiến iPhone không thể truy cập Facebook, Instagram, Zoom: Đây là cách để gỡ bỏ
Theo báo cáo của hãng tin Reuters, cơ quan giám sát chống độc quyền của Tây Ban Nha, Ủy ban thị trường và cạnh tranh quốc gia đã phạt cả Amazon và Apple vì đã thông đồng để hạn chế hoạt động bán hàng các sản phẩm của Apple dành riêng cho các đại lý được Apple ủy quyền ở Tây Ban Nha. Apple phải đối mặt với khoản tiền phạt 143,6 triệu euro (khoảng 161 triệu USD), trong khi Amazon bị phạt 50,5 triệu euro ( khoảng 57 triệu USD).
Các công ty có thời hạn hai tháng để kháng cáo quyết định của các cơ quan quản lý tại Tây Ban Nha và người phát ngôn của cả Apple và Amazon đều đã tuyên bố riêng rằng, họ có ý định kháng cáo, vì vậy hiện vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Diễn biến sự việc
Trở lại năm 2018, vấn đề phát sinh khi Apple và Amazon đạt được thỏa thuận hạn chế hoạt động bán các sản phẩm của Apple và Beats dành riêng cho các đại lý được Apple ủy quyền. Thỏa thuận này có tác động toàn cầu, áp dụng ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Ấn Độ, cuối cùng dẫn đến việc cửa hàng Apple Store chính thức được thành lập trên kênh bán hàng của hãng Amazon.
Hai hợp đồng được ký vào ngày 31/10/2018 đã cấp cho Amazon tư cách trở thành đại lý ủy quyền của Apple. Tuy nhiên, theo cơ quan giám sát chống độc quyền của Tây Ban Nha, các hợp đồng này cũng chứa các điều khoản chống cạnh tranh ảnh hưởng đáng kể đến thị trường trực tuyến cho các thiết bị điện tử ở Tây Ban Nha.
Cơ quan giám sát chống độc quyền của Tây Ban Nha tuyên bố rằng, hơn 90% các nhà bán lẻ sử dụng kênh Amazon để bán các thiết bị của Apple đã bị chặn sau khi hai công ty thực hiện thỏa thuận. Theo cơ quan quản lý, Amazon cũng hạn chế quyền tiếp cận của các nhà bán lẻ từ Liên minh châu Âu (EU) đến khách hàng Tây Ban Nha. Đồng thời, Amazon cũng hạn chế các quảng cáo của các đối thủ cạnh tranh với Apple trên trang web của mình khi người dùng tìm kiếm các sản phẩm của Apple. Theo kết quả của thỏa thuận, giá của các thiết bị Apple được bán trực tuyến đã tăng lên ở Tây Ban Nha.
Apple và Amazon nói gì về vấn đề này?
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, Apple tuyên bố rằng, thỏa thuận với Amazon nhằm giảm việc bán hàng giả trực tuyến. Trước thương vụ này, Apple đã phải bỏ ra một số tiền cũng như công sức để gửi đi nhiều thông báo "gỡ bỏ" nhằm ngăn chặn việc bán các thiết bị giả mạo.
Người phát ngôn của Amazon đã trả lời đề xuất của cơ quan quản lý chống độc quyền của Tây Ban Nha, rằng Amazon không được hưởng lợi từ việc loại trừ người bán khỏi nền tảng của mình. Người phát ngôn nhấn mạnh rằng, mô hình kinh doanh của Amazon dựa trên sự thành công của các công ty bán hàng qua Amazon. Hơn nữa, công ty khẳng định rằng, khách hàng là bên có lợi từ thỏa thuận năm 2018 của Amazon và Apple, vì họ được hưởng nhiều danh sách sản phẩm hơn và giảm giá đáng kể các mặt hàng như iPad và iPhone.
Apple và Amazon đang phải đối mặt với những rắc rối pháp lý ở quốc gia nào?
Tây Ban Nha không đơn độc trong việc tìm cách trừng phạt thỏa thuận năm 2018 giữa Amazon và Apple. Cơ quan quản lý chống độc quyền của Ý cũng đã phạt những “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ với cáo buộc hành vi chống cạnh tranh trong việc bán các sản phẩm của Apple và Beats. Khoản tiền phạt lên tới 130,04 triệu USD đối với Apple và 65,8 triệu USD đối với Amazon. Tuy nhiên, Tòa án của Ý sau đó đã bỏ mức phạt do cơ quan chống độc quyền của nước này áp đặt đối với hai công ty.
Vào năm 2020, cả Amazon và Apple đều bị cơ quan quản lý của Đức giám sát hành vi chống độc quyền do chính sách loại trừ những người bán sản phẩm thương hiệu độc lập khỏi nền tảng trực tuyến. Sự việc này dường như có liên quan đến cùng một thỏa thuận năm 2018 giữa hai công ty.
Chỉ một tháng trước, một vụ kiện tập thể, ban đầu được đệ trình vào tháng 11 năm trước, cáo buộc rằng Apple và Amazon đã hợp tác để tăng giá iPhone và iPad một cách giả tạo được bán trên Amazon. Thẩm phán quận Hoa Kỳ - ông John Coughenour gần đây đã phê chuẩn vụ kiện, chỉ ra rằng Apple và Amazon hiện cũng phải đối mặt với các cáo buộc tương tự được đưa ra ở châu Âu liên quan đến thỏa thuận năm 2018 ở Hoa Kỳ.
Vnmedia