MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ASEAN vượt qua EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc

Đông Nam Á đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm khi cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ buộc chính quyền Bắc Kinh phải tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với Đông Nam Á đã tăng 2% trong năm lên tới 297,8 tỷ USD, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết hôm 14/7. Khối ASEAN chiếm 14,7% kim ngạch thương mại của Trung Quốc trong giai đoạn này, tăng từ 14% vào năm 2019.

Liên minh châu Âu EU, trước đây là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đã chứng kiến ​​tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc giảm 5% trong năm xuống còn 284,1 tỷ USD, một phần do Anh rời khối. 

Mỹ đứng thứ ba, bị sụt giảm 10% về kim ngạch song phương, trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi. EU và Hoa Kỳ lần lượt chiếm 14% và 11,5% tổng thương mại của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020.

Trung Quốc đang gấp rút xây dựng chuỗi cung ứng mới ở Đông Nam Á, khi cuộc xung đột với chính quyền Washington ngăn cản họ tiếp cận công nghệ Mỹ. Các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc cũng đang chuyển sản xuất sang Đông Nam Á để tránh thuế nhập khẩu của Mỹ áp lên hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.

"Trung Quốc duy trì quan hệ với các nước có giao thương chặt chẽ như Việt Nam, Malaysia và Singapore. Họ là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu cho ngành công nghiệp điện tử", phát ngôn viên của Tổng cục Hải quan Li Kuiwen nói với các phóng viên.

Chất bán dẫn là mặt hàng đóng góp lớn cho kim ngạch song phương ASEAN - Trung Quốc. Các chuyến hàng chất bán dẫn từ ASEAN đến Trung Quốc tăng 24% và từ Trung Quốc sang ASEAN tăng 29% tính theo CNY.

Mặc dù Mỹ đang tạo áp lực ngăn các công ty bán chip điện tử cho Trung Quốc, nhiều lô hàng vẫn đang đến Trung Quốc thông qua Đông Nam Á. Thương mại cũng tăng vì các công ty Trung Quốc thiết lập các trung tâm sản xuất tại ASEAN để tránh thuế quan của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Nhiều nhà máy trong số này lắp ráp các sản phẩm sử dụng các linh kiện được vận chuyển từ Trung Quốc.

Việt Nam đã phê duyệt 3 tỷ USD đầu tư trực tiếp mới từ Trung Quốc đại lục vào năm 2019, tăng 75% so với cùng kỳ, theo Cục Đầu tư nước ngoài Việt Nam. Trung Quốc đại lục đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã giảm 30% trong nửa đầu năm 2020, nhưng vẫn cao hơn gấp đôi so với đầu tư của Nhật Bản. Tổng thương mại của Trung Quốc với Việt Nam tăng 14% trong 6 tháng, mức tăng lớn nhất so với bất kỳ đối tác thương mại lớn nào.

Trung Quốc và ASEAN đã ban hành một hiệp định thương mại tự do cập nhật vào tháng 10. Thỏa thuận sửa đổi "hạ thấp rào cản về quy tắc xuất xứ, tiền tệ, dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác, nhân đôi lợi thế của một hiệp định thương mại tự do", ông Li nói.

Trong nỗ lực chống lại lực lượng của Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy thương mại với ASEAN và những nền kinh tế tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường. 

Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận thương mại giai đoạn một cách đây 6 tháng, trong đó đặt mục tiêu tăng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc thêm 63,9 tỷ USD trong giai đoạn 2017 đến 2020. Theo kế hoạch này, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đáng ra sẽ tăng lên khoảng 110 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, nhưng con số thực tế chỉ là 56,4 tỷ USD. Các lô hàng đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump chú trọng đã không tăng được nhiều.

Ông Trump cho biết ông chưa nghĩ tới thỏa thuận giai đoạn hai. Có mối lo ngại rằng Mỹ sẽ tiếp tục kéo dài căng thăng thương mại với Trung Quốc và áp thuế nặng hơn.

H.A

Nikkei Asian Reivew

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên