Asen hữu cơ trong nước mắm vô hại, đừng mập mờ thông tin
Sau khi thông tin về sản phẩm nước mắm có asen, có khả năng gây ung thư, nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo lắng. Thậm chí, nhiều đại lý đề nghị tạm thời ngưng cung cấp hàng.
- 19-10-2016"Hàng nghìn năm nay dân tộc Việt Nam dùng nước mắm, có ai bị làm sao đâu"
- 19-10-2016DN than kết quả khảo sát nước mắm của Vinastas gây thiệt hại lớn
- 19-10-2016Hội nước mắm Phú Quốc phản bác thông tin của VINASTAS
Trong khi đó, không chỉ khẳng định sản phẩm nước mắm truyền thống được kiểm soát chặt về chất lượng, hàm lượng asen trong nước mắm có trong cá, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ nghi ngờ mục đích của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (VINASTAS) khi công bố thông tin về khảo sát mà không đưa ra kết luận rõ ràng là các mẫu nước mắm đã được kiểm nghiệm có an toàn đối với người tiêu dùng hay không.
Người tiêu dùng lo lắng, đại lý thận trọng
Chị Như Khương (khu vực chợ Trung Chánh, Q.12, TP.HCM) cho biết lâu nay gia đình chị vẫn sử dụng các sản phẩm nước mắm truyền thống nên sau khi nghe thông tin những sản phẩm này có asen, có khả năng gây ung thư, gia đình chị khá lo lắng.
Nhiều tiểu thương tại các chợ và cửa hàng cũng cho biết những ngày gần đây, khi đến mua nước mắm, nhiều người tiêu dùng “săm soi” nhiều hơn, đặc biệt là hỏi về chất lượng nước mắm vì e ngại độc hại. “Tui bán cả chục loại nước mắm ở đây, chưa thấy ai xuống thu hồi hay thông báo gì, mình chỉ biết kêu bà con cứ yên tâm mua thôi”, chị Trần Thị Thu (tiểu thương chợ Lạc Quang, Q.12) nói.
Theo đại diện hệ thống Metro, liên quan tới thông tin nước mắm có hàm lượng asen cao, đơn vị này đã liên tục cập nhật thông tin để truyền tải cho khách hàng, dù các sản phẩm nước mắm đang phân phối trên hệ thống đều có hồ sơ công bố sản phẩm.
“Chúng tôi đã yêu cầu nhà cung cấp sản phẩm cung cấp các hồ sơ, kết quả kiểm nghiệm mới nhất và thư cam kết sản phẩm đạt chỉ tiêu chất lượng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng”, vị này cho biết.
Trong khi đó, bà Châu Ngọc Phụng - chủ Doanh nghiệp nước mắm Phụng Hưng (thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc) - cho biết sau khi Vinastas công bố thông tin nước mắm có hàm lượng asen vượt chỉ tiêu, những ngày qua bà phải trả lời điện thoại thắc mắc của bạn hàng từ khắp cả nước do người tiêu dùng hoang mang trước thông tin không rõ ràng này.
Thậm chí, nhiều đại lý gọi điện tới hỏi và đề nghị tạm thời ngưng cung cấp hàng. “Chỉ sau khi nhiều nhà khoa học lên tiếng bác bỏ thông tin sai lệch, giải thích rõ asen hữu cơ trong nước mắm vẫn an toàn, các đại lý mới tạm yên tâm” - bà Phụng nói.
Ông Phạm Huỳnh Quốc Thanh, giám đốc Công ty TNHH Kim Hoa (Phú Quốc), cũng cho biết nhờ các nhà khoa học và dư luận xã hội lên tiếng phản bác kịp thời những thông tin sai lệch nên người tiêu dùng cũng bớt lo lắng.
“Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Quốc không thêm chất gì ngoài cá và muối trong nước mắm. Tuy nhiên, vẫn còn một số người tiêu dùng e ngại nên chúng tôi đang chuẩn bị có những hội thảo khoa học và thông tin cụ thể để người mua hiểu và an tâm hơn với nước mắm truyền thống” - ông Thanh cho biết.
Công bố thông tin mập mờ, không minh bạch
Trao đổi với chúng tôi, bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA), cho biết sau khi thông tin nước mắm có chứa asen được công bố, rất nhiều doanh nghiệp hội viên của FFA vô cùng hoang mang, lo ngại tình hình sản xuất nước mắm sẽ xấu đi, nhất là sắp đến thời điểm mùa vụ kinh doanh lớn nhất trong năm.
“Ngay lập tức, FFA đã có công văn gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị làm rõ một loạt thông tin liên quan đến hàm lượng asen đang được phép có trong quy chuẩn VN như thế nào”, bà Chi cho biết.
Theo bà Chi, quy chuẩn VN hiện nay chỉ quy định ngưỡng asen có trong sản phẩm nước chấm, không quy định đối với nước mắm. Thậm chí, TCVN 5107:2003 cũng không có quy định ngưỡng asen tổng hay asen vô cơ có trong nước mắm.
“Do bản chất hai loại sản phẩm là khác nhau, một sản phẩm đi từ cá (nước mắm), một sản phẩm không có nguồn gốc từ cá, hoặc chỉ chứa đựng một lượng nhỏ nước mắm (nước chấm), nên việc ngưỡng asen của hai sản phẩm nói trên phải khác nhau”, bà Chi nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nam, chủ Doanh nghiệp nước mắm Nam Hương, đặt nghi vấn “động cơ” của việc kiểm tra cũng như công bố thông tin về nước mắm truyền thống có hàm lượng asen vượt chỉ tiêu.
Theo ông Nam, trong 13 điều quy định của Bộ Y tế không hề đề cập đến asen, nhưng trước đó một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nước mắm công nghiệp đã có công văn đề nghị Bộ Y tế kiểm định asen trong nước mắm.
“Phải chăng doanh nghiệp này đã nắm được thông tin nước mắm truyền thống có hàm lượng asen cao. Có sự không minh bạch nào đó nên việc công bố kết quả kiểm nghiệm còn nhiều mập mờ, gây hoang mang cho người tiêu dùng”, ông đặt nghi vấn.
Chủ Hãng nước mắm Quốc Dương (Phú Quốc) cho rằng những thông tin nhạy cảm này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nước mắm truyền thống, gây bất lợi cho hoạt động sản xuất nước mắm truyền thống VN.
Du khách chọn mua nước mắm của cơ sở Khải Hoàn khi đến Phú Quốc du lịch - Ảnh: Hoàng Trung
Vinastas thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm?
Là người lên tiếng về thông tin được Vinastas công bố, TS Vũ Thế Thành cho rằng Vinastas đã thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm nên mới vội vàng công bố về asen trong nước mắm.
Theo ông Thành, trong con cá đã có asen (dạng hữu cơ) nên nước mắm truyền thống (làm từ cá và muối) chỉ có asen từ cá, không còn nguồn nhiễm asen nào khác nên không độc hại. Các nước trên thế giới không có quy định asen đối với nước chấm làm từ cá vì họ biết vô hại. Tại VN, từ năm 2011 Bộ Y tế mới xếp nước mắm vào nước chấm, nên có quy định asen là 1 mg/lít, nhưng là asen vô cơ.
“Quy định asen với nước mắm là thừa, nhưng với các loại nước chấm khác là cần thiết”, ông Thành nói.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, cố vấn của Hiệp hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc, cho biết việc Vinastas vội vàng công bố kết quả khảo sát mà không phân tích hàm lượng asen trong nước mắm có hại cho sức khỏe người tiêu dùng hay không là việc làm thiếu trách nhiệm, không những không đạt được mục đích bảo vệ mà trái lại còn làm người tiêu dùng hoang mang.
Theo bà Tịnh, Hiệp hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc có hẳn một ban kiểm soát để giám sát quá trình sản xuất của các nhà thùng đảm bảo việc tuân thủ quy trình sản xuất nước mắm truyền thống và các quy định về chất lượng theo tiêu chuẩn VN.
“Một số nhà thùng có sản phẩm xuất khẩu còn phải qua kiểm nghiệm và chấp nhận của các nước châu Âu, thị trường cực kỳ khó tính mà nước mắm Phú Quốc đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý”, bà Tịnh khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Hưng - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - khẳng định để được chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu, cơ sở để xuất khẩu sang các thị trường khó tính, nước mắm Phú Quốc đã qua các vòng thẩm định nghiêm ngặt về chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm. Đến nay, nước mắm Phú Quốc vẫn đều đặn được xuất khẩu và được người tiêu dùng ở châu Âu ưa chuộng.
“Việc công bố thông tin không rõ ràng có thể gây ảnh hưởng xấu đến ngành nghề truyền thống của người dân, đến thương hiệu nước mắm Phú Quốc vốn đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương” - ông Hưng nói.
Ông Nguyễn Thanh Phong (cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế):
Báo cáo Thủ tướng về nước mắm trước 22-10
Chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc. Nếu nhận được và kiến nghị hợp lý, chúng tôi sẽ tham gia thực hiện.
Riêng Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT cũng đã thực hiện đợt kiểm tra đối với nước mắm. Đoàn đã lấy mẫu tại TP.HCM, Hà Nội và tới đây là Phú Quốc, để kiểm tra các chỉ tiêu hàm lượng nitơ tổng, nitơ axit amin, nitơ amoniac, kim loại nặng (asen, chì), phẩm màu, chỉ tiêu vi sinh... mà các doanh nghiệp (nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp) đã công bố. Các kết quả này sẽ được tập hợp để báo cáo Thủ tướng vào ngày 22-10.
Ông Vương Ngọc Tuấn (phó tổng thư ký VINASTAS):
Không thể công bố danh tính nhà tài trợ
Việc thực hiện khảo sát và công bố kết quả kiểm nghiệm đối với nước mắm mà hội vừa tiến hành là bình thường, hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng và quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của VINASTAS.
Theo điều 28 tại Luật bảo vệ người tiêu dùng, Vinastas có quyền “độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa...; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình”.
Tuy nhiên, chúng tôi không thể công bố danh tính của nhà tài trợ cũng như không xác nhận thông tin về danh sách và chỉ số của các loại nước mắm đã được hội lấy mẫu kiểm nghiệm.
Việc Hiệp hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc đề nghị một số bộ ngành liên quan lập hội đồng đánh giá lại cơ sở khoa học và pháp lý của kết quả khảo sát của VINASTAS cũng là việc làm cần thiết và phù hợp, sẽ làm sáng tỏ thông tin về các sản phẩm nước mắm để người tiêu dùng có những thông tin chuẩn mực và chính xác. Lan Anh - T.Hà ghi
Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị (Đoàn luật sư TP.HCM):
Phải chịu trách nhiệm nếu thông tin sai
Vinastas có quyền tổ chức kiểm tra, khảo sát chất lượng hàng hóa phù hợp quy định về quyền của hội. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra này chỉ có giá trị tham khảo, các đơn vị khác không được sử dụng kết quả này như là kết luận cuối cùng hay tham chiếu có giá trị pháp lý khẳng định về tình trạng của ngành nghề, đơn vị bị khảo sát, kiểm tra.
Cũng theo quy định, Vinastas có quyền công bố kết quả khảo sát, kiểm tra trong phạm vi tránh nhiệm của hội. Tuy nhiên, thông tin này phải bảo đảm các yêu cầu về nội dung, phạm vi, trách nhiệm pháp lý liên quan. Nếu như việc công bố thông tin gây hại đến các cơ quan, đơn vị, ngành nghề mà hội này khảo sát, kiểm tra thì phải chịu trách nhiệm.
Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM):
Có thể kiện đòi bồi thường
Nếu xác định kết quả được công bố là sai, nhầm lẫn, chưa đúng, đầy đủ theo quy định mà gây hại cho đơn vị, ngành nghề bị công bố, đương nhiên Vinastas phải chịu trách nhiệm. Các đơn vị hay ngành nghề bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu việc bồi thường thiệt hại, xin lỗi cải chính công khai.
Trường hợp thông tin được công bố với mục đích, động cơ sai trái, nhằm triệt hạ, gây hại..., đó là hành vi vi phạm hành chính, thậm chí là vi phạm pháp luật hình sự. Ái Nhân ghi
Tuổi trẻ
Sự kiện: "Cuộc chiến" nước mắm
Xem tất cả >>- Báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý vụ nước mắm trước 10-11
- Ông Nguyễn Đức Sơn: Nước mắm truyền thống đang đứng dưới ánh đèn sân khấu, cơ hội vàng để xây dựng thương hiệu là đây!
- Xem xét đình chỉ Vinastas sau vụ “nước mắm nhiễm asen“
- Thị trường nước mắm phục hồi sau ‘cú sốc asen’
- Phải trả lại tên cho nước mắm!