Asia Times: Minh bạch cao, huy động mọi nguồn lực, Việt Nam có thể tiếp tục xử lý tốt đại dịch
Khi Việt Nam bắt đầu có ca tử vong Covid-19, nhiều người lo lắng liệu Việt Nam có thể xử lý tốt đợt bùng phát mới này như hai đợt trước hay không. Trên thực tế, những ca tử vong này đang làm tăng động lực chống dịch của Việt Nam.
- 30-08-2020Nhiều khách hủy tour, doanh thu du lịch lữ hành tháng 8 giảm mạnh
- 29-08-2020Khách quốc tế 8 tháng đầu năm chỉ đạt gần 3,8 triệu
- 29-08-2020Doanh nghiệp sản xuất phân phối điện nước, gas thành lập mới tăng 247% trong 8 tháng đầu năm
Theo Asia Times, Việt Nam đã và đang huy động gần như mọi nguồn lực để chống lại đại dịch. Song, vì nguồn lực hạn chế, Việt Nam phải duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền để phân bổ nguồn lực cần thiết cho trận chiến một cách tối ưu nhất.
Thật vậy, ngay sau khi ca dương tính thứ 416 được báo cáo, chính quyền trung ương và địa phương đã phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ . Chính quyền trung ương đã ra lệnh sơ tán 80.000 người khỏi Đà Nẵng, tâm chấn của đại dịch. Ngoài ra, tất cả những người đến các vùng khác của đất nước từ Đà Nẵng phải tự cách ly trong 14 ngày. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tận dụng các phương tiện truyền thông để đưa thông tin về tình hình đại dịch, thậm chí cả những ca tử vong mới, thể hiện tính minh bạch cao .
Chính quyền địa phương và các bộ ngành đã và đang nỗ lực phối hợp với Trung ương huy động các nguồn lực để đối phó với khủng hoảng. Bộ Y tế đã phối hợp với các địa phương tiến hành xét nghiệm RT-PCR (phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược), một phương pháp có độ tin cậy cao. Ít nhất 1 triệu xét nghiệm đã được thực hiện kể từ tháng 1, con số tương đối cao so với ngân sách chăm sóc sức khỏe của Việt Nam.
Tại Hà Nội, chính quyền địa phương đã hoàn thành việc xét nghiệm RT-PCR cho 80.000 người dân từ Đà Nẵng trở về, và sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm. Đà Nẵng đã tiến hành khử trùng quy mô lớn để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, đồng thời thắt chặt kiểm soát việc di chuyển. Đáng chú ý, thành phố này đã thành lập một bệnh viện dã chiến 500 giường để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 và chia sẻ gánh nặng với các bệnh viện chính của thành phố.
Việc huy động nguồn lực lớn này đã cho thấy mối quan tâm nghiêm trọng của Việt Nam đối với những ca tử vong mới và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xử lý đại dịch.
Những ca tử vong vì đại dịch gần đây nhất, bao gồm cả những bệnh nhân trẻ tuổi, đã gửi một thông điệp rõ ràng đến mọi người: Làn sóng hiện nay nguy hiểm và khó kiểm soát hơn những đợt trước. Do đó, để giúp làm chậm sự lây lan của virus, họ phải tuân thủ các quy định như đã làm trong lần giãn cách trước.
Nhìn chung, người dân ở những nơi dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã và đang tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn và quy định của chính phủ. Kể từ khi Chỉ thị 16 cấm tụ tập quá hai người ở nơi công cộng có hiệu lực, người dân Đà Nẵng đã thực hiện nghiêm túc việc "giãn cách xã hội" theo chỉ thị, làm việc tại nhà và rửa tay thường xuyên.
Tại Hà Nội, người dân từ Đà Nẵng trở về đồng loạt đi xét nghiệm, tự giác khai báo tình hình sức khỏe và tuân theo chế độ cách ly bắt buộc . Ứng dụng do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp phát triển, Bluezone, đến nay đã tiếp cận hơn 10 triệu người dùng.
Asia Times đánh giá, tất cả những hành động này thể hiện nhận thức mạnh mẽ của cộng đồng Việt Nam về việc tự bảo vệ bản thân chống lại virus, điều hiếm thấy ở các quốc gia đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề của đại dịch.
Ngoài ra, người dân Việt Nam đã sát cánh cùng chính phủ để hỗ trợ các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
Trên thực tế, các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể đã kêu gọi gửi thực phẩm và các thiết bị cần thiết đến vùng sâu vùng xa để hỗ trợ các bác sĩ và nhân viên đi đầu trong trận chiến chống lại Covid-19.
Vingroup đã cung cấp 1.700 máy thở cho Bộ Y tế và tặng đủ hóa chất cho 56.000 ca xét nghiệm PCR Covid-19 cho 3 tỉnh Đà Nẵng, Hải Phòng và Bắc Ninh. Hơn nữa, họ cũng cử nhân viên y tế đến Đà Nẵng để giúp thành phố chống lại virus.
Vinamilk, phối hợp với Bộ Y tế, đã gửi hơn 170.000 sản phẩm dinh dưỡng đến các vùng bị cô lập ở 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi - và quyên góp tiền để hỗ trợ các bệnh viện và trung tâm y tế trong bối cảnh đại dịch.
Sự đồng lòng như vậy thể hiện một "mặt trận thống nhất" của người Việt Nam trong việc chống lại Covid-19.
Chính phủ cũng đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiểm soát biên giới. Có thể cho rằng, một trong những lý do chính khiến Covid-19 quay trở lại Đà Nẵng là do nhập cư trái phép, chủ yếu từ Trung Quốc. Về mặt này, Việt Nam đã nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn điều này xảy ra.
Hiện nay, trước tình hình đại dịch ngày càng nghiêm trọng, chính quyền trung ương đang phối hợp với các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới, cũng như các cơ quan liên quan, trong đó quan trọng nhất là quân đội và công an, truy quét người cư trú trái phép từ Trung Quốc. Mới đây, Đà Nẵng đã ra quân kiểm tra đồng loạt người nước ngoài lưu trú trên địa bàn thành phố, đặc biệt tập trung vào người Trung Quốc.
Việc có ca tử vong cho thấy lần này, đại dịch có thể gây ra hậu quả đáng sợ hơn cho Việt Nam. Mặc dù vậy, đó có thể là chất xúc tác để Việt Nam nỗ lực tái khởi động chiến dịch chống lại virus. Với sự chuẩn bị tốt hơn và sức mạnh đồng lòng giữa người dân và chính phủ, Việt Nam có thể sớm ngăn chặn được virus, Asia Times đánh giá.