MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau cuộc khủng hoảng trên chính trường, Australia có thủ tướng mới

24-08-2018 - 10:33 AM | Tài chính quốc tế

Đương kim thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã bước xuống sau khi chính phủ của ông trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, với hàng loạt bộ trưởng đệ đơn từ chức.

Theo đó, ông Scott Morrison, Bộ trưởng Ngân khố trong nội các của ông Turnbull, sẽ trở thành thủ tướng mới của Australia.

Với 45 phiếu bầu, nhiều hơn 5 phiếu so với Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton, người góp công chính trong việc hạ bệ cựu thủ tướng Malcolm Turnbull, ông Morrison sẽ trở thành thủ tướng thứ 30 của Australia.

Ông Morrison chính là phương án phù hợp nhất để trở thành Thủ tướng Australia. Ông gây dựng tên tuổi của mình với những thành công trong hàng loạt lĩnh vực như An sinh xã hội, An ninh Biên giới và gần đây nhất là Bộ Ngân khố với sự cải thiện đáng kể ngân sách.

Việc ông Morrison trở thành nhà lãnh đạo mới ngay lập tức khiến thị trường tài chính nước này đồng loạt tăng điểm. Cụ thể,  các nhà đầu tư rất hoan nghênh tin tức mới, dẫn tới việc đồng đô la Australia phục hồi 0,5%. Trong khi đó, S&P/ASX 200 cũng tăng 0,3% trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng tăng 2 điểm cơ bản.

Khủng hoảng chính trị

Không lâu sau khi Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton bày tỏ thách thức với chính phủ của Thủ tướng Turnbull, nhiều bộ trưởng khác cũng từ chức. Trước những áp lực chính trị, ông Turnbull đã phải tổ chức cuộc họp, nơi mà tương lai chính trị của ông được định đoạt. Quyết định rút lui khỏi vòng bỏ phiếu, ông Turnbull đã chính thức rời bỏ chiếc ghế quyền lực nhất trên chính trường Australia.

Đối thủ chính của ông Turnbull lần này là Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton và cựu thủ tướng Tony Abbott, người đã bị ông Turnbull đánh bại trước đó. Cùng với sự hỗ trợ đắc lực của đế chế truyền thông News Corp, họ đã cố gắng thách thức quyền lực mà đảng của ông Turnbull đang nắm giữ. Đối thủ nhằm vào các chính sách biến đổi khí hậu và nhập cư để công kích đảng cầm quyền. Tuy nhiên, họ đã bị Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison đánh bại trong cuộc bỏ phiếu ngày 24/8.

Trở lại với cuộc khủng hoảng khiến Thủ tướng Turnbull phải từ chức, nguyên nhân chủ chốt nằm ở sự thất bại của ông Turnbull với chính sách năng lượng quốc gia, vốn rất bị ngành công nghiệp than đá bất bình. Việc đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn hướng tới điện gió và điện mặt trời, vốn sạch và bền vững hơn rất nhiều so với nhiệt điện sử dụng than.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Dutton cũng phản ứng rất gay gắt với các chính sách nhập cư. Ông mô tả chính sách cho phép người Hồi giáo Lebanon nhập cư vào Australia trong những năm 1970 là "sai lầm" đồng thời chỉ trích những người nhập cư sống dựa vào phúc lợi xã hội.

8 năm 6 thủ tướng

Sự thất bại của ông Turnbull khiến Australia phải tìm kiếm vị Thủ tướng thứ 6 trong vòng hơn 8 năm. Mặc dù những gì phe đối lập sử dụng để hạ bệ ông Turnbull đi ngược với những gì Australia theo đuổi từ năm 1973, trở thành một xã hội đa văn hóa thành công với cộng đồng cư dân đa dạng, nhưng nó vẫn thành công.

Sự cởi mở của Australia với người nhập cư là yếu tố then chốt đằng sau 27 năm tăng trưởng kinh tế liên tiếp kể từ sau cuộc suy thoái năm 1991. Nó cũng góp phần giải quyết những thách thức của một quốc gia đang ở trong tình trạng già hóa dân số.

Tương tự, về vấn đề khí hậu và biến đổi năng lượng, châu Úc là lục địa khô hạn nhất thế giới nhưng lại là một trong những nước xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất thế giới. Hiện tại, Australia có nguy cơ phải chịu những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu mà hiện tại là đợt hạn hán tồi tệ nhất "trong trí nhớ những người còn sống". Nhiệt độ tăng cao cũng có thể xóa sổ rạn sang hô nổi tiếng thế giới Great Barrier Reef vào giữa thế kỷ này.

May mắn với Australia chính là sức gió và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào. Ngay cả những nhà phát thải lớn như Energy Australia Pty và AGL Energy Ltd cũng đang lê kế hoạch cho một tương lai không carbon mặt dù nhiều người trong chính phủ đang phá hủy một cam kết cho tương lai năng lượng bền vững.

Không chỉ các doanh nghiệp, hộ gia đình cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến năng lượng sạch, trong đó có việc sử dụng ngói mặt trời để tự cung cấp điện cho gia đình. Thậm chí, tiểu bang South Australia còn đặt kế hoạch 1/3 năng lượng điện sẽ tới từ các nguồn tái tạo vào năm 2021.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên