MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ba áp lực đẩy lãi suất trong năm 2017

31-01-2017 - 08:14 AM | Tài chính - ngân hàng

Thách thức trong điều hành thị trường tiền tệ đối với NHNN trong năm 2017 vẫn rất lớn khi tăng trưởng tín dụng hồi phục cũng đồng thời tạo ra quán tính tăng thêm lớn hơn cho những năm sau, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất và lạm phát.

Khác với xu hướng giảm mạnh trong năm 2015, mặt bằng lãi suất trong năm 2016 diễn biến theo chiều hướng tương đối ổn định (một số thời điểm có điều chỉnh giảm nhẹ).

Cụ thể, lãi suất huy động sau khi tăng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm thì từ tháng 4 đã ổn định, đặc biệt giữa tháng 4 và từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động và giảm khoảng 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Lãi suất cho vay tính đến thời điểm cuối năm phổ biến ở mức khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9- 11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài hạn. Đặc biệt, đối với nhóm khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn được các NHTM đưa ra ở mức rất cạnh tranh (chỉ từ 4- 5%/năm).

Theo một số chuyên gia trong ngành, tín dụng hồi phục cộng với mặt bằng lãi suất ổn định đang có sự hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, một tín hiệu tích cực là nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm, chỉ còn 2,46% vào thời điểm 30/11/2016 so với mức 2,72% của một năm trước đó.

Áp lực có thể khiến lãi suất tăng 0,5%-1%

Tuy vậy, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực với những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng kéo theo việc cạnh tranh huy động và những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED đi cùng rủi ro tỷ giá. Theo đó, VCBS đánh giá lãi suất sẽ rất khó giảm thêm.

Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh lạm phát trong tầm kiểm soát; biến động của thị trường ngoại hối và việc giảm giá của VND ở mức hợp lý như kỳ vọng và triển vọng nguồn cung ngoại tệ ở mức ổn định và dồi dào tiếp tục hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, VCBS cho rằng NHNN vẫn còn dư địa để điều tiết thị trường và giải tỏa các áp lực lên lãi suất.

Theo đó, VCBS cho rằng, mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ và NHNN là có thể đạt được. Các chuyên gia phân tích dự báo mặt bằng lãi suất năm 2017 sẽ tương đối ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2016, mức tăng nếu có sẽ không quá 50 điểm cơ bản (0,5%) và trần lãi suất 5,5%/năm đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nhiều khả năng sẽ được đảm bảo.

Trong khi đó, các chuyên gia tại CTCK Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, thách thức trong điều hành thị trường tiền tệ đối với NHNN trong năm 2017 vẫn rất lớn khi tăng trưởng tín dụng hồi phục cũng đồng thời tạo ra quán tính tăng thêm lớn hơn cho những năm sau, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất và lạm phát.

“Theo kế hoạch tăng trưởng 5 năm 2016-2020. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%. Áp lực lên thị trường tiền tệ là rất lớn nếu Chính phủ muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng cao này”, BVSC nhận định.

Theo đó, ở kịch bản cở sở, BVSC dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm trong năm 2017. Theo BVSC, có ba lý do giải thích cho áp lực gia tăng lãi suất này. Thứ nhất, tín dụng được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao (17-18%) nhằm mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng. Thứ hai, lạm phát sẽ tiếp tục chịu áp lực gia tăng và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa. Thứ ba, NHNN cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD, và việc Fed dự kiến có thêm ba lần điều chỉnh lãi suất nữa trong năm 2017 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND.

Theo Trần Thủy

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên