Bà chủ khách sạn đóng cửa vì dịch Covid-19: "Khó khăn đến mấy cũng quyết không bỏ cuộc vì còn rất nhiều nhân viên đang chờ"
Dịch Covid-19 đang là bóng đen bao trùm lên hoạt động kinh doanh của các khách sạn tại khu vực Hà Nội khiến nhiều khách sạn phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự bởi không còn khả năng chi trả.
- 27-02-2020“Ngấm đòn” Covid-19, gom trả tiền điện còn khó khăn, một khách sạn tại Hà Nội buộc phải cho nhân viên nghỉ việc 4 tháng: Trợ cấp 1,5 triệu đồng/người/tháng, lương sếp cũng như nhân viên
- 19-02-2020Giá vé máy bay đồng loạt giảm sâu chưa từng có, nhiều khách sạn đóng cửa để giảm thiểu tổn thất do virus corona
Mới đây, trong một video được chia sẻ trên mạng xã hội có thể thấy tình hình kinh doanh của khách sạn gặp rất nhiều khó khăn ngay sau khi dịch Covid-19 bùng nổ. Theo tìm hiểu của PV, khách sạn trong đoạn video là một trong số các chi nhánh của chuỗi khách sạn 3 sao Hanoi Emerald Waters Hotel khá nổi tiếng tại phố cổ Hà Nội. Được biết, lượng khách giảm sâu cùng với nhiều chi phí phải chi trả khiến khách sạn này buộc phải cho nhân viên nghỉ trong vòng 4 tháng với mức trợ cấp là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Những nhân viên mong muốn tiếp tục ở lại làm việc sẽ nhận mức lương là 4 triệu đồng/tháng dù ở bất kỳ vị trí nào.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Phạm Hằng, chủ chuỗi khách sạn trên cho biết, "Nếu cách đây 2 tháng, dịch Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc thì tất cả những người trong ngành du lịch vẫn còn khoảng 70% tia hy vọng rằng hoạt động kinh doanh sẽ quay trở lại vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh này tiếp tục bùng phát ở Hàn Quốc và một số nước khác trên thế giới thì hy vọng đó không còn nữa, thậm chí, một số doanh nghiệp còn lo ngại không biết dịch bệnh này có kết thúc trong năm nay hay không?"
Chị Hằng cho biết thêm, "riêng đối với doanh nghiệp của tôi, khi dịch bệnh mới bùng phát ở Trung Quốc thì doanh nghiệp vẫn còn hoạt động cầm chừng khoảng 30-40% công suất phòng. Nhưng khi dịch bệnh này tiếp tục lan mạnh và Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới thì công suất phòng hiện tại chỉ còn 10%. Rất nhiều khách sạn trong hệ thống công suất chỉ còn từ 1-2%. Tính đến thời điểm này, tôi đã phải đóng cửa 4 địa điểm và cắt giảm 50% nhân sự.
Khách nước ngoài, trong đó đa phần từ châu Âu đã bắt đầu hủy đặt phòng từ hơn một tháng trước, khi tin dịch Covid-19 từ Vũ Hán, Trung Quốc lan rộng. Khi dịch lan đến châu Âu, số người nhiễm tại Hàn Quốc tăng mạnh, tới khoảng 85% khách hủy phòng".
Theo chị Hằng, "hiện nay không chỉ riêng doanh nghiệp của tôi mà tất cả những doanh nghiệp kinh doanh khách sạn khác trên khu vực phố cổ đều mong chờ nhà nước có thêm chính sách và tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp nói riêng và du lịch Hà Nội nói chung phục hồi trong khoảng thời gian khó khăn này. Ngoài ra, tôi cũng mong giá tiền thuê nhà trong thời gian này có thể giảm xuống và ngân hàng có thể khoanh lãi trong 6-9 tháng đến khi tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng".
"Khó khăn đến mấy tôi cũng quyết không bỏ cuộc vì còn rất nhiều nhân viên đang chờ khách sạn vực dậy", chị Hằng nói thêm.
Chia sẻ với phóng viên, anh Hùng, lễ tân tại khách sạn này cho hay, hiện tại công ty gặp khó khăn vì dịch Covid-19 nên anh cũng muốn chia sẻ giảm bớt một phần khó khăn cho khách sạn.
"Thu nhập của tôi hiện tại giảm đi gấp 3 lần nhưng tôi vẫn có thể trang trải cho cuộc sống. Ngoài ra, tôi sẽ tìm thêm một số công việc làm thêm để tăng thêm thu nhập vào thời gian rảnh rỗi".
Trong khi đó, anh Duy, chủ một khách sạn trên đường Hàng Bè cho hay, thông thường tại Việt Nam, giai đoạn cao điểm đón khách quốc tế bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau. Hầu hết vào thời gian này công suất các khách sạn trung bình sẽ khoảng 80%, nhiều nơi trên 90%. Tuy nhiên, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách hủy phòng tại khách sạn của anh đã lên tới 80%.
"Khoảng thời gian này tôi cảm thấy rất áp lực, dù đã cố gắng giảm giá phòng để thu hút khách nhưng lượng khách lẻ đến hầu như là không có. Chi phí điện nước, tiền nhà, nhân sự... cộng lại rất lớn khiến tôi đã phải cắt giảm bớt nhân sự để có khả năng chi trả".