Ba công ty đa cấp tuyên bố đóng cửa, hơn 1.000 nhân sự mất việc
Làn sóng “dẹp tiệm” lấn sang lĩnh vực đa cấp khi từ cuối năm ngoái, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này phải chấm dứt hoạt động.
- 03-01-20253 công ty đa cấp Herbalife Việt Nam, Tập đoàn Liên kết Việt Nam và Perfect Global bị xử phạt 515 triệu đồng
- 11-10-2024Ông Hoàng Nam Tiến kể chuyện đi học bán hàng đa cấp
- 23-08-2024Chân dung nữ doanh nhân đứng sau hệ sinh thái đa cấp Lô Hội
Mới đây, theo thông báo của Sở Công thương tỉnh Hải Dương, năm 2024, tỉnh tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương gồm Công ty TNHH Thương mại Lô Hội và Công ty TNHH Phong cách sống Kim Cương Việt Nam.
Nguyên nhân do chưa thể đáp ứng điều kiện về đầu mối tại địa phương theo Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ.
Việc hai doanh nghiệp này chấm dứt hoạt động khiến số lượng nhân sự tham gia lĩnh vực này giảm 1.000 người so với trước đây.
Trước đó, hồi cuối tháng 11/2024, Công ty cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group cũng phải nộp hồ sơ thông báo dừng hoạt động bán hàng đa cấp. Công ty này có trụ sở quận Bình Thạnh, TP. HCM. Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Phạm Ngọc Bình.
Sau khi Sen Việt rời thị trường, cả nước chỉ còn 19 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động bán hàng đa cấp. Con số này giảm mạnh so với thời điểm năm 2016, khi có 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam.
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội.
Chính vì vậy, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp từ Trung ương đến địa phương.
Năm 2023, ngành này có hơn 768.000 người tham gia, với tổng doanh thu đạt 16.800 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022.
Nhịp sống thị trường