Bà Hứa Thị Phấn chuẩn bị hầu tòa trong vụ rút ruột 6.362 tỷ đồng tại ngân hàng Đại Tín
TAND TP Hồ Chí Minh vừa tống đạt quyết định đưa vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín ra xét xử.
- 12-04-2018Ngày 8/5, bắt đầu xét xử “bà trùm” Hứa Thị Phấn
- 02-04-2018“Trợ thủ” đắc lực của bà Hứa Thị Phấn cản trở việc điều tra, bán tẩu tán bất động sản giúp chủ
- 30-03-2018“Bà trùm” Hứa Thị Phấn trốn thuế hơn 177 tỷ đồng?
Liên quan đến vụ án có 28 bị can bị truy tố, trong đó có bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng Đại Tín, nguyên chủ tịch HĐQT công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ), Hoàng Văn Toàn (65 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín), Trần Sơn Nam (49 tuổi, nguyên thành viên HĐQT, Tổng giám đốc ngân hàng Đại Tín)...
Theo đó, vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 8-5 tới và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31-5.
Bà Phấn tại phiên xử ông Phạm Công Danh giai đoạn 1. |
Phiên toà dưới sự điều khiển của chánh toà hình sự - thẩm phán Phạm Lương Toản, thẩm phán Lê Kim Loan, hai hội thẩm nhân dân, 2 thư ký. Ngoài ra, còn có 1 thẩm phán, 1 hội thẩm nhân dân, 1 thư ký dự khuyết. Về phía VKS, theo sự phân công của VKS tối cao, VKS TP Hồ Chí Minh cử 3 kiểm sát viên chính tham gia phiên toà và 2 kiểm sát viên dự khuyết.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngoài triệu tập nguyên đơn dân sự được xác định là ngân hàng CB, toà án còn triệu tập 178 người, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Trong đó, có đến 15 ngân hàng, công ty cổ phần đầu tư Phương Trang, bị án Phạm Công Danh (đại diện cho toàn bộ các cá nhân góp vốn cổ phần nhóm Thiên Thanh)... được triệu tập với tư cách là đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đến thời điểm này đã có 25 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong số đó bà Hứa Thị Phấn có đến 4 luật sư tham gia bảo vệ.
Theo cáo trạng, tiền thân là ngân hàng nông thôn cổ phần Rạch Kiến (đến năm 2007 đổi tên thành Đại Tín), tính đến tháng 6-2010, ngân hàng Đại Tín có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng và người đại diện trước pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn (chủ tịch HĐQT) và TGĐ là ông Trần Sơn Nam. Tuy nhiên, ông Nam và ông Toàn chỉ là người quản lý và điều hành trên danh nghĩa.
Đầu năm 2007, bà Hứa Thị Phấn cùng công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) đã tham gia mua 254.751.970 cổ phần, tương đương trên 2.547 tỷ đồng, chiếm 84,92% vốn điều lệ ngân hàng Đại Tín và giữ chức cố vấn cao cấp HĐQT tại ngân hàng. Lợi dụng là cổ đông lớn tại ngân hàng, bà Phấn đã nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu chi tiền mặt để rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng tiền của ngân hàng Đại Tín.
Kết luận điều tra xác định, để rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng 12.005 tỷ đồng tại ngân hàng Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm đã thực hiện 5 hành vi: Nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Trustbank, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng; hạch toán thu khống 5.256 tỷ đồng; thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, chiếm đoạt và sử dụng 3.581 tỷ đồng; chỉ đạo ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng 1.037 tỷ đồng; nâng khống 25 bất động sản khác bán cho Đại Tín để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỉ đồng.
Giai đoạn này, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ xét xử bà Phấn và các đồng phạm liên quan đến 2 hành vi gồm nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng và hạch toán thu khống và đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang, để bị can Phấn sử dụng trái pháp luật hơn 5.256 tỷ đồng. Tổng số tiền gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là hơn 6.362 tỷ đồng.
Riêng khoản 5.643 tỷ đồng thiệt hại qua 3 hành vi khác của bị can Phấn được tách ra điều tra tại giai đoạn 2 của vụ án.
Công an nhân dân