Ba lần lỡ hẹn tăng lương vào chất vấn Phó thủ tướng
Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi ba lần lỡ hẹn cải cách tiền lương đều vì không có nguồn lực...
- 27-05-2018Infographic: Sắp tới tiền lương sẽ thay đổi như thế nào?
- 23-05-2018Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ thay đổi như thế nào?
- 19-05-2018Cải cách tiền lương: 4 lần cải cách, sửa đổi, vẫn còn nhiều bất cập
Trần nợ công có tăng không khi cải cách tiền lương là vấn đề được Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu khi chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, chiều 6/6 tại Quốc hội.
Ông Lợi nhắc, Chính phủ đã ba lần lỡ hẹn cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và người lao động. Hiện nay, Trung ương đã có nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương. Dư luận xã hội, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người lao động rất phấn khởi.
Tuy nhiên, đại biểu Lợi cho biết là rất băn khoăn, vì ba lần lỡ hẹn đều vì không có nguồn lực.
Ông Lợi đề nghị Phó thủ tướng với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, làm rõ 3 vấn đề. Một là khả năng ngân sách nhà nước cân đối để cải cách chính sách tiền lương. Thứ hai, có làm tăng thêm trần nợ công không khi cải cách tiền lương. Thứ ba, giải pháp để kìm chế chỉ số giá sinh hoạt khi tăng tiền lương tăng.
Cảm ơn đại biểu đã nêu vấn đề cải cách tiền lương, Phó thủ tướng nói đây là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Dư luận có đặt vấn đề bây giờ tăng lương như thế nào, lấy đâu ra mà tăng lương. Việc tăng lương như vậy có ảnh hưởng gì đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô không?, Phó thủ tướng trình bày.
Ông Huệ cho biết, Ban chỉ đạo đề án cũng như Chính phủ đã có tính toán cân nhắc kỹ lưỡng để trình Bộ Chính trị và Trung ương thảo luận, quyết định về cải cách tiền lương.
Mặc dù tăng lương không phải toàn bộ nội dung cải cách tiền lương nhưng là vấn đề cốt lõi và nhiều người quan tâm nên phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có 1 giải pháp tiền đề và 2 giải pháp mang tính đột phá, Phó thủ tướng nói.
Tiếp đó, Phó thủ tướng nêu giải pháp tiền đề tức là phải xác định được vị trí việc làm để thiết kế hệ thống chính sách tiền lương trên cơ sở vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Còn biện pháp có tính chất đột phá là phải quyết liệt tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Giải pháp đột phá thứ hai là giải pháp về tài chính để tiến hành cải cách tiền lưong, trong đó căn cơ nhất vẫn là phát triển sản xuất để tăng thu, quyết liệt triệt để chống thất thu về ngân sách và triệt để tiết kiệm chi tiêu. Trong phương án vẫn phải tiết kiệm 10% các kinh phí thường xuyên cho đến khi ổn định bộ máy tổ chức, dùng nguồn này để làm cải cách tiền lương, Phó thủ tướng nêu rõ.
Một nguồn nữa, theo Phó thủ tướng là tăng thu của ngân sách địa phương, trước đây là 50% được để lại đầu tư 50% dùng cải cách tiền lương. Bây giờ với quan điểm đầu tư cho con người cũng là đầu tư phát triển thì Trung ương quyết định dành 70% tăng thu của ngân sách địa phương làm cải cách tiền lương.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh trước đây không có chuyện dành vượt thu của ngân sách Trung ương để làm cải cách tiền lương nhưng nghị quyết lần này đã quyết định vượt thu của ngân sách Trung ương dành tối thiếu 40% để cải cách tiền lương .
Do đó, các nguồn có thể tính toán cụ thể được nhưng cụ thể thế nào thì Chính phủ và Thường vụ Quốc hội cùng các cơ quan liên quan sẽ có tính toán, ông Huệ nói.
Liên quan đến băn khoăn của đại biểu về nợ công, Phó thủ tướng khẳng định, trong quá trình cân đối, Chính phủ đã dựa vào nghị quyết 07 của Bộ Chính trị để tính toán các phương án trả lương nhưng vẫn đảm bảo trần nợ công là 65% GDP, đồng thời vẫn kiểm soát chỉ số lạm phát.
Nếu tăng lương nhưng gắn với tăng năng suất lao động và hiệu suất của bộ máy nhà nước thì tác động đến CPI là không lớn. Chúng ta thực hiện các biện pháp đồng bộ như vậy vừa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tiền lương, vừa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo ổn định về kinh tế vĩ mô, Phó thủ tướng trả lời đại biểu.
Vneconomy