Bà mẹ 2 con "bỏ phố về quê" sống cuộc sống đẹp như tranh, chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng con khiến ai nấy xuýt xoa
"Mình cực kỳ thích câu: Nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình. Mình xem con như cái gương để soi bản thân hàng ngày, sửa đổi và điều chỉnh bản thân tốt hơn để làm gương cho con", chị Huyền Trang bày tỏ.
- 13-02-2021Dàn Quán quân Olympia "gây bão" khi tụ họp ở nước Úc: Ai cũng có sự nghiệp thành công, riêng 1 thí sinh nhìn cực hack tuổi
- 13-02-20218 món đồ người kinh doanh nên mua đầu năm để cả năm Tân Sửu may mắn, tài lộc
- 13-02-2021Đã tìm ra đại gia đình có cỗ Tết “khủng” nhất: 11 triệu tiền thịt, 120 trái khổ qua, 160 hột vịt nhưng chưa sốc bằng khối lượng củ kiệu
"Bỏ phố về quê" là từ khóa khá hot những năm gần đây. Không chỉ những người trung niên mà ngay cả giới trẻ cũng đang nhiệt tình với trào lưu "về quê nuôi cá và trồng thêm rau", gây dựng cho mình một cách sống an yên đúng nghĩa.
Gia đình chị Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm 1986) sống ở Hà Nội và chuyển về Ninh Thuận từ tháng 5/2019, sau một cơ duyên từ chuyến du lịch 3 ngày tại đây. Từ 9 năm làm nhân viên cho 1 công ty với những nhãn hiệu xa xỉ, trở thành một bà nội trợ và làm vườn toàn thời gian, bên ngôi nhà nhỏ bao quanh là đồng lúa, chị Trang cho rằng "đó là một chặng đường dài đầy mồ hôi, công sức và tiền của. Nhưng giá trị có được thì vô giá, không có gì có thể so sánh được".
"Một chặng đường dài đầy mồ hôi, công sức và tiền của. Nhưng giá trị có được thì vô giá".
Một trong số đó chính là việc rút ra nhiều trải nghiệm và quan điểm riêng trong việc giáo dục con cái. Bởi theo chị, ở các thành phố lớn là nơi tập trung các điều kiện y tế, giáo dục hiện đại và tốt nhất. Trong khi trẻ em ở nông thôn thực sự là chưa được quan tâm tới giáo dục như ở thành phố nên con bạn cũng sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong việc tìm "đôi bạn cùng tiến".
Chị Huyền Trang là mẹ của hai bạn nhỏ, 1 bé 8 tuổi và 1 bé 4 tuổi.
Là mẹ của hai bạn nhỏ, 1 bạn 8 tuổi đang học lớp 2 tại trường gần nhà, cách nhà 1.5km và 1 bạn 4 tuổi đang ở nhà với mẹ, chị Trang cho rằng: "Từ trước tới giờ mình luôn luôn coi trọng việc giáo dục trong gia đình, đặt giáo dục trong gia đình làm nền tảng, trường học là nơi cung cấp một phần nhỏ kiến thức thôi.
Mình nghĩ các bố mẹ phải xác định rõ, đối với việc học của con các bố mẹ mong muốn những điều gì và mình có thể làm gì để đồng hành cùng con không? Theo mình, quan điểm và lựa chọn của bố mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc chơi việc học và một phần tới tương lai sau này của con".
1. Lựa chọn ngôi trường cho con
Gia đình mình chọn cho con học ngôi trường làng gần nhà, với các điều kiện cực kỳ phù hợp với tiêu chí của gia đình.
- Cách nhà 1.5km: Những hôm bố mẹ bận con có thể chủ động tự đi xe đạp đi học. Trường gần nhà không mất nhiều thời gian di chuyển nữa, đạp xe khoảng 10-15 phút là tới trường.
- Ngày học 1 buổi: Con học buổi sáng từ 6h45p tới 10h15 phút, trước buổi học sẽ có 15p được khởi động tập thể dục. Vì học hơn 3 tiếng ở trường thôi nên con có rất nhiều thời gian làm những việc khác: Đọc sách, vẽ, sáng tạo, chơi và làm được một số việc nhà.
- Sỹ số lớp học rất hợp lý: Sỹ số lớp học chỉ dao động trong khoảng 25-30 bạn/lớp.
- Ngôi trường làng lâu đời có nhiều cây xanh.
Mình cũng đã từng có giai đoạn phân vân về việc có nên unschool hoặc homeschool (không cho con tới trường) cho con hay không (giai đoạn nghỉ học vì Covid), nhưng đã vượt qua được suy nghĩ đấy và hiện tại rất hài lòng với quyết định việc duy trì cho con đi học ở gần nhà.
2. Lựa chọn khu vực sinh sống
Thật là may mắn vì gia đình mình đã có 1 năm trải nghiệm sinh sống ở địa điểm con không có nhiều bạn cùng độ tuổi đi học (1 năm đầu vào Ninh Thuận gia đình mình thuê homestay ở), nên mình với chồng mình thấy việc con có bạn bè cùng trang lứa là việc cực kỳ cần thiết.
Hiện gia đình chị Trang ở trong một khu dân cư cực kỳ hiền lành.
Vậy nên lúc đi mua đất nhà mình đặt tiêu chí vị trí phải ở trong khu dân cư có nhiều trẻ con, gần trường gần chợ và dường như mong mỏi đấy đã được vũ trụ hồi đáp. Hiện gia đình mình ở trong một khu dân cư cực kỳ hiền lành, con có rất nhiều bạn học cùng lớp cùng trường, sáng có thể ới nhau đạp xe tới trường, không khác gì bố mẹ hồi xưa.
3. Những chương trình tự học tại nhà
Ngoài học ở trường thì hiện con mình đang theo một số chương trình học tại nhà như sau:
- Acellus: Là chương trình online, chương trình homeschool của Mỹ có từ mầm non tới lớp 12, mỗi lớp có 4 môn học chính: Language arts (như môn Tiếng việt của mình vậy), Science (khoa học), Social study (xã hội) và Math (toán).
Mỗi môn sẽ bao gồm rất nhiều video nhỏ bằng tiếng Anh, video rất thu hút và cực kỳ dễ hiểu, xong từng video sẽ có bài kiểm tra nhỏ, con làm qua được thì sẽ học tiếp video mới, rồi có đủ các bài test giữa kỳ, cuối kỳ. Mình chọn chương trình học này vì con chủ động được thời gian học, mỗi ngày con học tầm 30 phút thôi. Học phí hiện tại cho mỗi môn học là: 10 USD/môn (hơn 200 ngàn đồng), hoặc 25 USD/4 môn (hơn 500 ngàn đồng).
Ngoài học ở trường, hiện hai bé nhà chị Trang đang theo một số chương trình học tại nhà.
- Razkids: Mình ví Razkids như một thư viện sách Tiếng Anh, vừa dạy con học phát âm chuẩn Tiếng Anh vừa giúp con có thêm rất nhiều kiến thức. Con mình bắt đầu học đọc ở Razkids từ 4 tuổi, đến nay gần 4 năm rồi vẫn duy trì, mình thấy phần mềm rất ổn với chi phí cực kỳ hợp lý: 270k/năm với phiên bản Razkids plus.
- Xem phim vào cuối tuần (ngôn ngữ tiếng Anh, không phụ đề): Vào cuối tuần hoặc ngày nghỉ mình vẫn cùng con xem các bộ phim bằng ngôn ngữ tiếng Anh (không dịch, không phụ đề) giúp con luyện khả năng nghe hiểu và học âm điệu, hay body language của người nước ngoài. Phần lớn là mình chọn những bộ phim hoạt hình kinh điển của Walt Disney, vừa giải trí vừa có tính nhân văn giáo dục vừa có giọng tiếng Anh rất chuẩn (thông thường được các diễn viên nổi tiếng lồng tiếng).
- Khai thác Youtube: Chọn các chương trình học tiếng Anh miễn phí: Có thể chọn các chương trình tiếng Anh miễn phí nhưng rất chất lượng trên Youtude để cho con học tiếng Anh, mình liệt kê một số sau: Cocomelon, Super simple songs, Gogo…
Những chương trình học này là học trên thiết bị điện tử nên mình hạn chế mỗi ngày con sử dụng không quá 1h và chia thành nhiều khoảng thời gian khác nhau.
4. Đọc sách
Từ khi chuyển về quê sống, thú thật là gia đình mình tiết kiệm được rất nhiều chi phí mà không làm giảm chất lượng cuộc sống, có một chi phí không giảm mà vẫn chi đều đặn hàng tháng đó là tiền mua sách cho con.
Nhà mình không có ti vi. Từ khi sinh con ra là vợ chồng mình bỏ hẳn không xem tivi nữa, cùng gần 8 năm nay rồi. Cần thông tin hay tin tức gì cứ lên internet là đầy đủ và nhanh nhất. Nên đối với 2 đứa con mình, sách là người bạn không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Đứa lớn nhà mình còn bảo là: đối với bạn ấy, sách là NEED (cần) chứ không phải là WANT (muốn) nữa.
Việc ham mê đọc sách quá cũng không tốt, nên chị Trang cố gắng dụ dỗ con tham gia nhiều việc khác nữa.
Tuy nhiên việc ham mê đọc sách quá cũng không tốt, nên mình cũng quy định ra một số thời gian nhất định trong ngày để con thoải mái đọc sách, ngoài ra cố gắng dụ dỗ con tham gia nhiều việc khác nữa.
Một điều cực kỳ quan trọng trong mục này là lựa chọn sách cho con. Tuỳ theo từng độ tuổi mà mình lựa cho con những hạng mục sách khác nhau. Mình thường chọn sách của những nhà xuất bản nổi tiếng và mẹ cũng thường đọc review trước khi mua.
5. Khoảng thời gian riêng tư của con
Ai cũng cần khoảng thời gian riêng cho mình để nghỉ ngơi, suy nghĩ, làm việc mình thích. Bạn lớn nhà mình không ngủ trưa từ lúc 4-5 tuổi rồi, nên mình cho bạn ấy khoảng thời gian từ sau khi ăn cơm trưa đến 3h chiều để bạn ấy nghỉ ngơi, làm việc mình thích. Thông thường bạn sẽ đọc sách, vẽ, làm thơ, sáng tạo ra một số thứ cực kỳ hay ho và buồn cười...
6. Học thông qua làm việc nhà
Nhà mình là nhà vườn, không có người làm công nên rất nhiều việc nhà và việc vặt nên các thành viên trong gia đình đều có nhiệm vụ riêng, tuổi nhỏ sẽ làm việc nhỏ, đây là nghĩa vụ của các thành viên trong nhà.
Trước khi phân việc nhà cho con mình thường liệt kê ra một số việc mà vừa sức con, hướng dẫn con, cho con làm thử rồi mới giao hẳn việc cho con. Con mình cũng đổi việc xoành xoạch do làm một thời gian thấy không thích muốn đổi việc mới, lại ghi lại danh sách cho mẹ.
Con làm nhiều việc đồng nghĩa với việc con có nhiều trải nghiệm.
Con làm nhiều việc đồng nghĩa với việc con có nhiều trải nghiệm, mình không quan trọng con làm việc thật nhiều việc mà rất khó tính trong việc con làm việc thật chỉn chu, làm gì cũng được nhưng phải cẩn thận, chỉn chu và có trách nhiệm. Luật của nhà mình là con thêm một tuổi thì cũng sẽ thêm một việc nhà.
7. Chơi ở vườn và làm vườn
Nhà mình có vườn rộng, mình có thiết kế một khu vực chơi cho con có nhà cây, xích đu, khung leo trèo, hố cát... Mình luôn khuyến khích các bạn nhỏ ra chơi ở vườn, chơi ngoài thiên nhiên.
Chị Trang luôn khuyến khích các bạn nhỏ ra chơi ở vườn, chơi ngoài thiên nhiên.
Mình cũng thường dụ dỗ các con cùng làm vườn để các con biết được cây nảy mầm, lớn lên như thế nào. Rồi các con có thể hái hoặc thu hoạch rau củ để chuẩn bị cho từng bữa ăn. Bạn lớn nhà mình đã rất phấn khích khi được nhổ củ cải do mình gieo mầm, niềm vui nhỏ nhoi thôi nhưng sẽ góp phần làm cho cuộc sống của các con có thêm nhiều sắc màu.
8. Đi chơi, trải nghiệm, du lịch
Thực ra nhà mình là gia đình rất mê dịch chuyển và du lịch nên bố mẹ luôn cố gắng thu xếp thời gian cho con ra ngoài chơi, đi dã ngoại trong ngày, đi nông trại đi biển. Tuy nhiên khác với trước kia là những chuyến đi dài ngày thì bây giờ gia đình mình chọn những địa điểm dã ngoại trong ngày thôi, thời gian ngắn nhưng bố mẹ đầu tư khoảng thời gian chất lượng và trọn vẹn bên con thì các bạn ấy cũng rất vui rồi.
Mình cho con đi siêu thị để con học cách lựa đồ, đọc thành phần sản phẩm, học cách xếp hàng và mua hàng văn minh.
Cho con đi thư viện để con thoả thuê đọc sách.
Cho con lên thành phố "giải ngố" như la cà vỉa hè, đi ô tô điện...
Cho con đi nhà hàng để con thưởng thức và học cách ăn các món ăn vùng miền khác nhau, thậm chí là các quốc gia khác nhau...
Điều cuối cùng nhưng cực kỳ quan trọng mà chị Huyền Trang nhấn mạnh đó là: Mỗi đứa trẻ có một cách thể hiện và giai đoạn phát triển khác nhau, nên bố mẹ cần hiểu, thương yêu con vô điều kiện để tìm ra những hướng đi phù hợp với con mình (điều này bản thân chị Trang cũng dặn mình hàng ngày, nói thì dễ nhưng làm thì không dễ chút nào).
"Mình cực kỳ thích câu: Nhìn cây sửa đất nhìn con sửa mình, mình xem con như cái gương để soi bản thân hàng ngày, sửa đổi và điều chỉnh bản thân tốt hơn để làm gương cho con", chị Trang chia sẻ.
Nhịp sống Việt