Ba năm liền dự báo nhập siêu, kết quả đều xuất siêu?
Ba năm liền đều dự báo nhập siêu, nhưng kết quả là cả 3 năm liền xuất siêu. Vậy thì dự báo này để làm gì, giúp cho việc gì?...
- 05-09-2019Sự trùng hợp đặc biệt nhìn từ số liệu nhập siêu từ Trung Quốc "tăng sốc"
- 21-08-2019Với CPTTP, Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu
- 23-07-2019Việt Nam nhập siêu 678 triệu USD
Đó là câu hỏi được Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên đặt ra tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội chiều 4/10.
Báo cáo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại phiên họp cho biết trong số 5 chỉ tiêu dự kiến vượt mức Quốc hội giao có tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cụ thể, mục tiêu Quốc hội giao là tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, ước thực hiện cả năm xuất siêu 0,4%. Báo cáo cũng nêu lại kết quả của năm 2018 là xuất siêu 2,8%.
Liên quan đến vấn đề này, trước thềm kỳ họp thứ sáu của Quốc hội (tháng 10/2018) Uỷ ban Kinh tế cũng từng đặt vấn đề khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, là: kết quả của các năm 2016, 2017 và 2018 đều là xuất siêu, nhưng 2019 Chính phủ lại nêu chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Thời điểm đó, cơ quan thẩm tra đã lưu ý là năm 2019 chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8% và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% đều thấp hơn so với năm 2018. Trong khi chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra ở mức 6,6-6,8% (tương đương với mục tiêu ước đạt của năm 2018).
Mặc dù vậy, sau đó Chính phủ vẫn trình và Quốc hội vẫn quyết định chỉ tiêu cho năm 2019 là GDP tăng 6,6-6,8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu là dưới 3%.
Thời điểm này, báo cáo hoàn thành ngày 3/10/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, GDP năm nay ước thực hiện tăng 6,8%, xuất siêu 0,4%.
Nếu nhìn vào chỉ tiêu dự kiến cho năm 2020 là GDP tăng 6,8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% (y như năm 2018) thì càng thấy sự cần thiết của câu hỏi mà Phó chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên đặt ra ở trên, rằng năm nào cũng dự báo nhập siêu, kết quả đều xuất siêu thì dự báo để làm gì?
Ngoài băn khoăn của ông Kiên, những con số được cho là rất đáng mừng (12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch) của 2019 tại báo cáo vẫn khiến các thành viên khác của Uỷ ban Kinh tế chưa thực sự mừng.
Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh thì Chính phủ cần phân tích rõ hơn một số chỉ tiêu.
Ông Sinh phân tích: nhìn vào cơ cấu nền kinh tế thì thấy sản xuất công nghiệp tăng, trong đó dựa vào 3 trụ cột chính là điện tử, da giày và dệt may. Nhưng điện tử chủ yếu là của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, còn da giày và dệt may thì chủ yếu gia công. Dịch vụ tăng thấp, nông lâm thuỷ sản thì giảm.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh phát biểu tại phiên họp.
Nhìn vào con số tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019 là 33,8% (mục tiêu 33-34%), ông Sinh băn khoăn: tổng mức đầu tư toàn xã hội không tăng mấy mà GDP tăng cao như vậy thì tăng trưởng lấy từ đâu ra?.
Nhận định nếu không có khai khoáng thì tăng trưởng chung chưa chắc đã đạt được, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) phân tích: tổng thu ngân sách cho thấy thu từ tài nguyên rất nhiều. Bản chất của vấn đề này là bán nguồn thu chứ không phải là tăng trưởng của nền kinh tế.
Từ đó, ông Chung đề nghị khi tính GDP nên tách những phần này ra để thấy rõ bức tranh tăng và có điều kiện phân tích kỹ thêm chỉ số phát triển.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cho rằng cần đánh giá các trụ cột tăng trưởng là gì, từ đó mới biết tăng trưởng này có bền vững hay không.
Vẫn theo ông Hùng thì một số vấn đề rất quan trọng nhưng còn thiếu vắng trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, như vấn đề biển Đông đang rất nóng hiện nay.
"Đó là những vi phạm rất nghiêm trọng, chúng ta phải đưa vào báo cáo một cách rõ ràng, cụ thể để người dân tin tưởng rằng Đảng, Nhà nước rất minh bạch, công khai", ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Vneconomy