MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ba ngân hàng quốc doanh tích cực dự phòng

02-08-2021 - 14:59 PM | Tài chính - ngân hàng

VietinBank, BIDV và Vietcombank đều đang đẩy mạnh trích lập dự phòng, tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu.

Ba ngân hàng quốc doanh trên sàn công bố báo cáo tài chính quý II với nhiều khác biệt nhưng điểm chung là chi phí dự phòng đều tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của VietinBank ( HoSE: CTG ) và Vietcombank ( HoSE: VCB ) giảm dù các mảng kinh doanh vẫn tăng trưởng.

VietinBank lãi trước trích lập 9.896 tỷ đồng, cao hơn 48% so với quý II/2020. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tăng 2 lần ở mức 7.106 tỷ đồng, khiến lãi trước thuế giảm 38% xuống 2.790 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng một nửa so với ước tính 5.000 tỷ đồng, từng được lãnh đạo ngân hàng đưa ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng. Dù vậy, lãi 6 tháng của ngân hàng vẫn tăng 45% đạt 10.850 tỷ đồng.

Thông tin từ ngân hàng cũng đề cập số tiền được trích lập vào cuối quý II đã vượt trên nhiều so với mức quy định cho năm 2021, nhằm gia tăng quỹ dự phòng rủi ro, nâng cao tỷ lệ bao phủ nợ xấu kiểm soát chất lượng tín dụng.

Ba ngân hàng quốc doanh tích cực dự phòng - Ảnh 1.

Lợi nhuận trước thuế 3 ngân hàng quốc doanh và thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: BCTC.


Tương tự tại Vietcombank, ngân hàng lãi trước trích lập 7.941 tỷ đồng, tăng gần 7% trong quý II. Tuy nhiên, chi phí dự phòng hơn 3.226 tỷ đồng, tăng 74%, kéo lợi nhuận trước thuế giảm 16%, còn 4.716 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, con số này ở mức 13.021 tỷ đồng, tăng 22%.

Tại phiên họp thường niên 2021, lãnh đạo Vietcombank từng chia sẻ ngân hàng sẽ chủ động trích lập dự phòng toàn bộ nợ tái cơ cấu trong năm nay mà không cần giãn 3 năm theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

BIDV ( HoSE: BID ) cũng là ngân hàng "mạnh tay" trích lập trong quý II khi chi phí dự phòng tăng 90%, ở mức 8.251 tỷ đồng. Dù vậy lợi nhuận trước thuế của BIDV vẫn tăng 86%, đạt 4.726 tỷ đồng, nâng con số 6 tháng lên 8,122 tỷ đồng.

Trong 3 ngân hàng quốc doanh, BIDV luôn là đơn vị phải trích dự phòng lớn nhất mỗi năm, con số này vượt nhiều lần lợi nhuận trước thuế. Hai năm gần đây, dưới thời Chủ tịch Phan Đức Tú, nhà băng này đang nỗ lực cơ cấu và xử lý tài sản từ quá khứ.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước từng khuyến nghị các tổ chức tín dụng, nếu cảm thấy có năng lực tài chính tốt có thể trích lập dự phòng nợ xấu nhiều hơn so với quy định tại Thông tư 03, thậm chí có thể trích lập ngay 100% trong năm nay. Đây cũng chính là lý do nợ xấu của một số ngân hàng tăng.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt 130%

Với việc đẩy mạnh trích lập, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng đang dần tăng lên trong 2-3 năm gần đây. Thay đổi lớn nhất trong 6 tháng đầu năm nay là BIDV. Nhà băng này lần đầu đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt 100% từ cuối quý I và tiếp tục nâng lên 130% vào cuối quý II, ngang bằng VietinBank.

Ba ngân hàng quốc doanh tích cực dự phòng - Ảnh 2.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của BIDV liên tục tăng. Nguồn: BCTC.


Vietcombank vẫn vượt trội về tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong nhóm quốc doanh và từng đạt đỉnh ở mức 370% vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, hết quý I, con số này còn gần 280% và hồi phục trở lại lên mức 350% vào cuối quý vừa qua.

Lãnh đạo một ngân hàng từng đề cập ngân hàng thường có hai loại trích lập, một là dự phòng chung bằng 0,75% tổng dư nợ cho vay và dự phòng cụ thể với phần nợ xấu phát sinh theo từng nhóm nợ.

Tỷ lệ bảo phủ nợ xấu càng cao, trên 100% cho thấy việc xử lý nợ xấu của ngân hàng tốt và duy trì số nợ xấu thấp hơn số dự trữ. Việc để tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao giúp ngân hàng trích đủ dự phòng và có thể “write-off”, xóa nợ xấu lâu khỏi bảng cân đối kế toán, khi đó quỹ dự phòng thấp xuống nhưng nợ xấu cũng thấp hơn. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao thì chất lượng tài sản càng tốt.

Chứng khoán ACB từng đề cập sau quá trình trích lập dự phòng và xóa nợ xấu giai đoạn 2015-2020, dư nợ ngoại bảng của các ngân hàng đang ở mức rất lớn. Đơn vị này ước tính tới cuối năm 2020, dư nợ ngoại bảng của Vietcombank vào khoảng 20.000 tỷ đồng, VietinBank khoảng 19.000 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ của khách hàng được ngân hàng trích lập hoàn toàn và đưa khỏi bảng cân đối kế toán. Nếu có thể thu hồi, ngân hàng có thể ghi nhận vào khoản thu nhập lãi khác. 

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến nền kinh tế, các doanh nghiệp, việc tăng dự phòng và phân loại nợ sẽ giúp ngân hàng chủ động ứng phó với việc phát sinh nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai.

Theo Trâm Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên