MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà Phạm Chi Lan chỉ ra Việt Nam khó có công nghiệp ô tô nếu như không khắc phục được những hạn chế này

Việt Nam sẽ khó mà có được ngành công nghiệp ô tô, nếu những điểm hạn chế của ngành trong phân tích của bà Phạm Chi Lan không được cải thiện

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Trong nhiều chục năm qua, ngành công nghiệp ô tô trong nước đã phải trầy trật tìm đường hướng phát triển nhưng vẫn chưa thể thành công. Nỗi buồn mang tên Vinaxuki cùng nỗi ôm hận ngàn tỷ của ông Bùi Ngọc Huyên chính là hình ảnh điển hình nhất cho những khó khăn mà ô tô Việt đang gặp phải.

Bên lề buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2017 vừa qua của VEPR, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng như niềm trăn trở của bà về hơn chục năm phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước.

“Tôi cho rằng Việt Nam sẽ khó mà có được ngành công nghiệp ô tô, nếu như không có những cải thiện” – vị chuyên gia kinh tế mở đầu rất thẳng thắn.

Điểm nổi bật trong quan điểm của bà Lan nằm ở chỗ dường như phương cách phát triển của ô tô Việt Nam vẫn chưa được đúng, khiến chúng ta vẫn chưa thể có cái có thể thực sự được gọi là ‘ngành công nghiệp ô tô nội địa’.

“Mình làm chỉ do mình ham thích, mình muốn làm mà thôi, chứ hoàn toàn không hiểu quy luật của nó” – bà Lan nói.

Phân tích sâu thêm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích rằng “quy luật của ngành ô tô là đòi hỏi quy mô lớn, chỉ có quy mô lớn mới có thể hiệu quả, còn quy mô quá nhỏ, quá nhiều người làm thì không thể hiệu quả được”.

Theo bà, chúng ta nên học hỏi mô hình kinh nghiệm của Hàn Quốc. Ở đó, Hàn Quốc ở những điểm khởi đầu phát triển ngành công nghiệp ô tô chỉ chọn đúng con số 3 doanh nghiệp để dồn sức phát triển. Con số 3 này là hoàn hảo để thị trường ô tô nội địa Hàn Quốc vừa không bị phân mảnh, khiến cho các quy mô các doanh nghiệp bé đi mà cũng vừa đủ tính cạnh tranh.

“Tại sao lại là 3 ? Họ nói 3 là đủ để cạnh tranh. 2 doanh nghiệp thì có thể móc ngoặc với nhau, 3 là tạo thành nhân tố cạnh tranh. Nhưng con số không thể nhiều hơn 3, vì nhiều hơn 3 thì mỗi doanh nghiệp sẽ không đủ dung lượng thị trường cho chính mình” – bà Lan nói.

Đồng thời, để tạo tính đa dạng thị trường, Hàn Quốc cũng khuyến khích 3 doanh nghiệp này chọn 3 dòng công nghệ khác nhau đến từ các nước: Đức, Mỹ và Nhật.

Đây đều là những dòng công nghệ tiên tiến nhất tập trung vào 3 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc. Từ đó, các doanh nghiệp này chung tay cùng lắm và làm phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa Hàn Quốc. So sánh với Việt Nam, bà Lan nói “mình cho một lúc mười mấy doanh nghiệp mà anh nào cũng chỉ lắp ráp mà thôi”.

Điểm yếu tiếp theo của Việt Nam khiến bà Lan cho rằng ngành công nghiệp ô tô sẽ khó mà tồn tại chính là việc thiếu hụt của các ngành công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, đối với một ngành sản xuất trình độ cao như sản xuất ô tô, các ngành phụ trợ lại càng trở nên cần thiết.

“Thứ hai là các ngành ô tô là ngành đòi hỏi rất nhiều ngành phụ trợ, tới mấy trăm cái phụ tùng khác nhau. Anh phải có một nền tảng cua ngành cơ khí, của một số ngành phụ trợ đã thì anh hãy nên làm ngành ô tô. Anh chưa có gì thì anh không nên làm, bởi vì anh sẽ thuần túy chỉ là lắp ráp thôi”, vị chuyên gia kinh tế này phân tích.

Bên cạnh cách làm sai, thiếu hụt công nghiệp phụ trợ, điểm cuối cùng mà chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra là người Việt vẫn chưa đủ tiền để mua ô tô, giúp ô tô trong nước phát triển.

Thu nhập bình quân đầu người của nước ta nằm vừa rồi đạt mức trên 2.200 USD. Theo vị chuyên gia kinh tế, mức này vẫn chưa đủ bởi lẽ “chỉ những nước nào thu nhập bình quân đầu người/năm là 3.000 USD trở lên thì mới nên nghĩ đến làm ô tô, còn dưới mức đó thì đừng nên nghĩ đến”

Còn nhớ, cách đây hơn chục năm, khi mà những xí nghiệp sản xuất ô tô liên doanh xuất hiện, chúng ta đã từng mơ về thời điểm các nhà sản xuất trong nước có thể ‘học’ được cách làm ô tô từ các gã khổng lồ trên thế giới như Toyota, Huyndai…để rồi làm ra những chiếc ô tô ‘made in Vietnam’.

Giấc mơ này đi cùng hàng loạt những ưu đãi mà Việt Nam dành cho các nhà sản xuất ô tô quốc tế này theo kiểu chỉ cần cam kết có nội địa hóa là sẽ có ưu đãi từ các nhà chức trách địa phương và trong nước.

“Tôi chắc chắn là lúc bấy giờ cả Toyota, Huyndai…có lời hứa nội địa hóa nhưng trong thâm tâm, họ biết chắc cam kết nội địa hóa là không thể được. Tuy nhiên, cứ hứa một cái như vậy là được ưu đãi nên họ cứ hứa” – bà Lan trở lại câu chuyện cũ của ngành ô tô một cách đầy tiếc nuối.

Giờ đây, khi mà Thủ tướng đã thẳng thắn đề đạt mong muốn “một đất nước 90 triệu dân thì không thể không có ngành công nghiệp ô tô”, câu chuyện trên được nhắc lại như một bài học xương máu với ô tô Việt Nam. Từ đó, 3 điểm yếu trên trong lời phân tích trên của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có lẽ sẽ là những điểm mà những người làm ô tô trong nước cần lưu tâm.

Theo Vượng Lê

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên