MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà Phạm Chi Lan: Cơ hội vàng hậu Covid-19 không chỉ dành cho Việt Nam, nếu không cẩn thận vàng sẽ có lẫn đất sét!

"Cụm từ được đề cập nhiều gần đây là "cơ hội vàng" hậu Covid-19, nhưng theo tôi cơ hội vàng đến từ tùy nơi, tùy lĩnh vực... nếu không cẩn thận vàng sẽ có lẫn đất sét. Cơ hội không dành riêng cho Việt Nam, mà còn cả cho Ấn Độ, Indonesia...", bà Phạm Chi Lan cho biết.

Chia sẻ tại toạ đàm "Hậu Covid-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua", ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, Việt Nam đang có một số lợi thế từ việc khống chế tốt dịch bệnh. Điều này góp phần xây dựng, củng cố lòng tin ở các nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư cũng đánh giá cao sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua. "Họ cũng nhìn thấy sự quyết liệt, đứng đắn trong sự chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch và  khởi động lại nền kinh tế. Trong tháng 4 vừa qua đã có các dấu hiệu tích cực về đầu tư nước ngoài", ông nói.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoại cũng ghi nhận chủ trương nhất quán trong ứng xử với vốn FDI, coi khu vực FDI là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế.

"Tất cả đang góp phần tạo nên cơ hội vàng cho Việt Nam trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy và dòng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm", ông nhấn mạnh.

Dù đồng ý rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội vàng để phát triển, nhưng bà Phạm Chi Lan thẳng thắn cho rằng điều này chỉ đúng với tuỳ nơi, tuỳ lĩnh vực. "Nếu không cẩn thận, vàng sẽ có lẫn đất sét", bà nói.

Theo bà, nền kinh tế 96 triệu dân không phải là nơi duy nhất được hưởng lợi. Cơ hội sẽ đến với cả Ấn Độ, Indonesia…

"Các nước dành ưu tiên và mục tiêu rõ ràng, còn Việt Nam vẫn đang đi theo chiến lược có nhiều mũi nhọn,đây cũng là nguyên nhân Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội. Nhìn lại vì sao ta bỏ lỡ cơ hội, tôi cho rằng một phần là do vẫn còn tình trạng hô khẩu hiệu mà không chịu đánh giá thực lực và có sự nghiên cứu, phân tích xem cần phải làm gì để thay đổi tình trạng và nắm bắt cơ hội. Trước ta coi mình là cô gái đẹp, giờ cô gái đã già rồi...", bà nói.

Lấy ví dụ về sự háo hức với cuộc cách mạng 4.0, bà Lan nhận xét trong thực tế, Việt Nam đã hành động rất ít để tận dụng cơ hội.

"Khát vọng và mong đợi của người thiết kế cơ chế nó không giống với khát vọng cơ chế của doanh nghiệp. Đưa ra chính sách hay nhưng hành động thực thi chính sách kém thì không hiệu quả. Cần có chế tài, kỷ cương áp vào cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Phải có chế tài nghiêm thì doanh nghiệp mới làm được. Chính sách không nên cố kiểm soát doanh nghiệp hơn là tạo thuận lợi. Trong khi thế giới đã khác, rất phát triển nhưng Việt Nam vẫn đang loay hoay tháo gỡ rào cản, khó khăn...", bà nói.

Theo bà, điểm mừng là dịch Covid-19 vừa qua với những gì xảy ra tại Việt Nam cho thấy bài học tốt. Đó là khi chọn mục tiêu và ưu tiên cao nhất để tập trung làm sẽ làm được. Một bộ máy điều hành cương quyết, các bộ ngành phối hợp tốt, người đứng đầu hiểu việc và áp dụng những cái tiến bộ vào xử lý tình thế khó khăn đã cho kết quả tích cực, bà nói. Bà cũng nhấn mạnh: Nhưng làm sao nuôi dưỡng được tinh thần đó trong thời gian tới là điều đáng quan tâm.

Theo bà, Chính phủ cần minh bạch, cập nhật thông tin thường xuyên, thông suốt. Nếu làm được theo cách ta đã làm trong phòng chống dịch thì sẽ phát triển tốt – bà Chi Lan cho biết.

T.Công

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên