Bà Rịa – Vũng Tàu có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước 20 năm liên tiếp
Bà Rịa – Vũng Tàu có GRDP bình quân đầu người luôn trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Nhiều năm trở lại đây, chất lượng cuộc sống người dân của tỉnh không ngừng được cải thiện. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành thực hiện xây dựng sân bay Gò Găng với hơn 9.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế xã hội.
- 20-02-2022Sẽ chi gần 4.000 tỷ đồng sửa sân bay Côn Đảo, tạm đóng cửa để thi công
- 19-02-2022Cần Thơ quy hoạch khu kinh tế, dịch vụ hơn 10.600ha gần sân bay
- 12-02-2022Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu phương án xây dựng sân bay quốc tế thứ hai tại Hải Phòng
Trong những năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì đà phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước. Theo Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2000 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn giữ vị trí là địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước (tính cả dầu khí và không tính dầu khí).
GRDP bình quân đầu người (không tính dầu khí) của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (USD/người). Nguồn: Cục thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 1996 đến nay, tỉnh có GRDP bình quân đầu người cao gấp 2 lần mức bình quân chung cả nước. Năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 12.154 USD/người (tính cả dầu khí) tương đương 281,2 triệu đồng và đạt khoảng 7.141 USD/người (không tính dầu khí) tương đương 163,4 triệu đồng, gấp hơn 8 lần so với năm 2000 (851 USD/người tương đương 19,5 triệu đồng).
Năm 2021, GRDP trừ dầu khí của tỉnh đạt 111.033 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, GRDP tính cả dầu khí của tỉnh đạt 213.948 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), giảm 6,26% so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến cho GRDP tính cả dầu khí giảm vì hoạt động khai thác dầu thô, khí đốt giảm và sự suy giảm của khu vực dịch vụ trước tác động của dịch Covid-19.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có dấu hiệu tốt theo đà phục hồi kinh tế. Cụ thể, theo Cục Thuế Bà Rịa-Vũng Tàu, lũy kế 02 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 15.110,2 tỷ đồng, đạt 29,7% dự toán pháp lệnh và bằng 135,7% so với cùng kỳ 2021. Số thu tăng dần trong hai tháng đầu năm là do phục hồi sản xuất kinh doanh đang khởi sắc sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Năm 2022, để thực hiện chiến lược thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết tâm tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối tại địa phương và các tỉnh thành kế cận. Trong đó, nhiều dự án quy mô vốn hàng nghìn tỷ vừa được đi vào hoạt động.
Một trong số các dự án lớn mà tỉnh đặc biệt quan tâm đó là dự án gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án cầu Phước An và dự án sân bay Gò Găng.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài dự án là hơn 53 km, trong đó đoạn qua thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (34,2 km); thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (19,5 km). Quy mô giai đoạn 1 dự kiến gồm 4 – 6 làn xe, vận tốc 100km/giờ. Tổng vốn đầu tư của giai đoạn 1 là 17.837 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công. Trong năm 2022 dự án sẽ hoàn tất thủ tục đầu tư, năm 2023 khởi công và hoàn thành cơ bản trong năm 2025.
Dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải có chiều dài tuyến đường hơn 4,3 km, trong đó cầu Phước An dài hơn 3.500 m, đường dẫn lên cầu dài 248 m, đường dẫn kết nối với đường xuống cảng Phước An dài hơn 600 m. Tĩnh không thông thuyền của cầu cho phép tàu 30.000 tấn chạy qua. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.800 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cầu Phước An dự kiến khởi công vào quý 3/2022.
Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, mở rộng không gian đô thị, không gian kinh tế của thành phố Vũng Tàu, tỉnh đã quyết định thực hiện xây dựng sân bay Gò Găng thuộc xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu.
Sân bay có tổng diện tích khoảng 248,5ha. Trong đó, diện tích khu Tổng Công ty trực thăng Việt Nam quản lý 91,25ha, diện tích đất khu bay dùng chung 75ha, diện tích khu hàng không chung 20ha và diện tích khu dịch vụ phát triển hàng không 62,25ha. Tỉnh ước tính tổng mức đầu tư xây dựng hoàn chỉnh sân bay Gò Găng hơn 9.005 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.258 tỷ đồng.
Hiện nay, dự án đang ở giai đoạn lập chủ trương đầu tư (tiền khả thi) và lập quy hoạch 1/2000, các sở ngành rà soát lại các vấn đề liên quan về đất đai.